Theo đó, tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), sẽ tiêm cho khoảng 100 người.
Tại Hải Dương, theo kế hoạch Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, dự kiến nữ bác sĩ trẻ của Khoa cấp cứu Hồi Sức tích cực chống độc người lớn là người được tiêm đầu tiên.
Bộ Y tế cũng chia sẻ do lượng vắc xin đợt đầu về hạn chế nên Bộ Y tế chỉ phân bổ vắc xin cho các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID -19 và 13 tỉnh, thành có dịch.
Trong sáng 8/3, sẽ triển khai tiêm tại 3 địa điểm, ngay hôm sau dự kiến sẽ tổ chức tiêm tại Gia Lai.
Theo kế hoạch trong ngày 10/3 sẽ triển khai tiêm tại tất cả 18 địa phương được phân bổ vắc xin đợt này. Trong đó ngoài 13 tỉnh, thành có dịch thì có thêm Tây Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa là những nơi có bệnh nhân Covid-19 điều trị.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp giám sát việc tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Dương, tại điểm tiêm của Hà Nội là Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và điểm tiêm phía Nam là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn.
Căn cứ tình hình thực tế, số lượng vắc xin được phân bổ cụ thể:
Hải Dương được phân bổ 33.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 gồm: Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được cấp 300 liều, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2 là 500 liều; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương và Trung tâm Y tế TP Chí Linh đều được phân bổ 100 liều. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương cũng được phân bổ 32.000 liều
Tỉnh Hải Dương yêu cầu phải rà soát thật kỹ lưỡng, nhất quán, xác định các trường hợp ưu tiên tiêm vaccine chính xác, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực, dư luận không tốt trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức tiêm chủng phải bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 được phẩn bổ 450 liều vắc xin. Để việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.
Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24h tại Bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được phân bổ 900 liều. Trước khi tiêm các nhân viên y tế sẽ được kiểm tra, tư vấn và sàng lọc theo quy định; sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm theo quy định và đồng thời được hướng dẫn, tư vấn về việc tự theo dõi tại nhà sau tiêm.
|
|
Sắp xếp vị trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều,đảm bảo khoảng cách giữa các các bàn/vị trí tiêm chủng, giữa các đối tượng. |
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng rộng cho biết vắc xin được sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin AstraZeneca, do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc.
Vắc xin được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Đến ngày 25/2, vắc xin này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Vắc xin ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, sẽ sử dụng tiêm chủng mỗi liều 0,5 ml. Vắc xin được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, cũng giống như các vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, song nhà sản xuất cũng lưu ý tuyệt đối không được để đông băng vắc xin.
Vắc xin chỉ hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiềm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.., và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.
Theo PGS Hồng, đây là vắc xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ. Cũng như tất cả các vắc xin khác, vắc xin này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm).
Để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.
Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.
Tính từ 18h ngày 7/3 đến 6h ngày 8/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 2.512 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1585 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 892 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 708 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua 23 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 20 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 13 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
|