Vũ Quang
Cập nhật lúc, Thứ tư, 21/04/2021
Quan niệm của nhiều người Việt: Chờ đau mới khám bệnh
Trong bao năm qua, quan niệm của rất nhiều người Việt vẫn hằng hữu "phải đau mới đi khám". Tức là bệnh đã biểu hiện ra ngoài mới tìm đến thầy thuốc. Nhiều người không muốn đi bệnh viện, gặp bác sĩ vì: "Thôi, không đi khám đâu, khám mắc công ra bệnh".
Tôi chắc rằng và bạn tôi từng ít nhất một lần nghe được câu nói này từ những người thân, hàng xóm hay bất kỳ ai xung quanh. Hay thậm chí, nói đâu xa, ngay bản thân chúng ta cũng đã thầm nghĩ như vậy. Và bệnh viện, bác sĩ trở thành nỗi sợ không phải của riêng ai.
Trong bao năm qua, quan niệm của rất nhiều người Việt vẫn hằng hữu "phải đau mới đi khám". Tức là bệnh đã biểu hiện ra ngoài mới tìm đến thầy thuốc.
Tôi có người bạn, mỗi lần nhắc nó nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì luôn nhận được những câu đại loại là "Tao khỏe mà. Có gì đâu phải khám. Tốn tiền". Hoặc đã đau rồi thì "Ôi, ba cái đau xoàng, ra tiệm thuốc mua vài liều là khỏi".
Vẫn luôn thấy Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia hạnh phúc. Các tiêu chí khác thì tôi không bình luận nhưng nếu bàn về quan tâm sức khỏe thì người dân nước mình còn khá thờ ơ. Họ phó thác sức khỏe và thậm chí là tính mạng của mình cho câu nói cửa miệng để làm vui lòng người đối diện "Không sao đâu mà!".
Thậm chí có rất nhiều người còn chưa một lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Cũng với những lý do ở trên mà vô số người dân Việt Nam chưa biết bản thân đang sở hữu loại máu nào. Hay chưa biết rằng các chỉ số cơ thể đang ở mức an toàn hay nguy hiểm ra sao. Họ dửng dưng bỏ qua mọi thứ giúp đánh giá tình hình sức khỏe cá nhân.
Khám sức khỏe định kỳ hiện nay khá đa dạng về chi phí cùng các dịch vụ đi kèm. Nhưng về cơ bản nó thường cho biết công thức máu (cho biết bất thường của hồng cầu, bạch cầu...), đường (nguy cơ tiểu đường), mỡ máu (bệnh lý tim mạch), chức năng thận (bệnh lý về thận), chụp X-quang, siêu âm bụng... Không quá đầy đủ nhưng vừa phải cho cái nhìn tổng quát về sức khỏe hiện tại.
Thậm chí có nhiều người còn không biết người thân xung quanh mình đã hoặc mắc bệnh gì. Rất nhiều bệnh có yếu tố di truyền. Trong đó, ung thư, tiểu đường, đột quỵ... được nhắc đến thường xuyên. Vậy đó, chúng ta biến những hành vi tưởng chừng bình thường thành thói quen có hại từ lúc nào không hay. Những nỗi sợ, những giọt nước mắt sẽ thành cuồng tố trong lòng, sẽ rơi thành dòng khi nhận được kết quả bệnh thời kỳ cuối do đến với cơ sở y tế quá muộn.
Trong hơn ba năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không ít lần nước mắt của tôi cùng hòa chung với họ. Chẳng hạn, ung thư là một trong những bệnh đến khi cơ thể có biểu hiện đau thì khi đó thường đã là giai đoạn cuối, thậm chí di căn đến các vị trí khác trong cơ thể. Hoặc những triệu chứng cơ bản nhưng đau đầu thoáng qua thường hay bị bỏ sót. Nhưng mang trong nó là tiềm tàng nguy cơ mắc các bệnh nặng liên quan đến mạch máu não, não hay các cấu trúc phức tạp khác. Hay tiểu đường chẳng hạn. Nếu được phát hiện sớm và thay đổi lối sống, ăn uống thì chắc chắn vẫn có thể sống vui khỏe bên người thân của mình.
Những lý do được đưa ra che lấp cho ý thức thăm khám này thường là tài chính không cho phép, di chuyển đến cơ sở y tế khó khăn... Đồng ý rằng nước mình còn nghèo. Dân mình cũng còn nghèo. Đồng ý rằng chất lượng y tế chưa đồng đều. Tôi đồng ý tất cả. Nhưng thử hỏi nếu tiết kiệm một tí, cơ sở y tế gần nhà... thì bạn có được ý thức chủ động thăm khám hay không?
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là thế hệ chúng ta cần tạo lập một ý thức mới về chủ động thăm khám định kỳ, tạo thói quen cho chính bản thân mình và truyền cho thế hệ sau. Mất bao nhiêu năm chúng ta mới có thể dạy các em nhỏ hiểu rằng đèn đỏ thì nên dừng lại.
Nhưng tôi chưa thấy ai dạy, nên biết lo cho sức khỏe của con cháu bằng những thói quen đơn giản. Đơn giản nhất trong số đó là thay đổi những câu miêu tả về người thầy thuốc từ sợ hãi sang dễ gần, bệnh viện từ nơi chết chóc thành nơi chăm sóc bản thân. Hoặc đọc, tìm hiểu kiến thức y học thường thức như việc đọc sách báo hằng ngày...
Và quan trọng hơn hết là không để câu "Không sao đâu mà" thành câu cửa miệng.Bởi câu này vô hình trung tạo thành thói quen che giấu cảm xúc cá nhân cũng như tạo khoảng cách với những đối tượng đang thực sự muốn giúp đỡ mình.
Không gì là quá muộn. Chỉ quan trọng là có muốn hay không. Chờ đau mới khám cũng chính là lúc chúng ta sắp mất đi một người thân hoặc chính chúng ta phải sớm nói lời từ giã cuộc sống tươi đẹp này.
Tác giả: Dy Khoa
Theo Vnexpress
Nguồn Link bài gốchttps://vnexpress.net/nhieu-nguoi-viet-cho-dau-moi-kham-benh-4265493.html