UBG Mart 4.0 là chuỗi siêu thị do Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế UBG thành lập năm 2019 với sứ mệnh phát triển hệ sinh thái “Tiêu dùng thông minh” trên nền tảng 4.0, giúp khách hàng trong nước tiếp cận xu hướng mua sắm thông minh trên thế giới. Mô hình doanh nghiệp đang vận hành là “online to offline” tức là kết hợp kinh doanh trực tiếp và số hoá.

Tập đoàn UBG (Tập đoàn) đã phát triển hệ sinh thái từ chuỗi siêu thị và sàn thương mại điện tử (TMĐT) 4.0 đến các sản phẩm bất động sản, nghỉ dưỡng và dự định lên sàn Nasdaq vào năm 2027… Hệ thống Siêu thị UBG Mart 4.0 luôn luôn cố gắng, cống hiến hết mình để phục vụ và thỏa mãn nhu cầu tối đa mua sắm của khách hàng.

Hệ thống chuỗi siêu thị thông minh UBG Mart 4.0 gồm: Số 602 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; Số 1K, Nguyễn Thị Định, phường Khú Khương, TP. Bến Tre, tỉnh Bế Tre; Số 205 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng và số 189 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội và 01 UBG Coffee số 206 Lê Lợi, phường Hưng Long, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Với chiến lược mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng, mua sắm áp dụng công nghệ 4.0 giúp khách hàng tiêu dùng tiết kiệm 40%. Hệ thống chuỗi Siêu thị thông minh UBGMart 4.0 sẽ được nhân rộng tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Phóng viên Thương hiệu & Công luận "mục sở thị UBG Mart 4.0, phát hiện hàng hóa, sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng, không tem nhãn phụ tiếng Việt... 

 
leftcenterrightdel
 Trên website của Hệ thống chuỗi Siêu thị thông minh UBGMart 4.0 giới thiệu.

Sáng ngày 16/07/2022 đã diễn ra sự kiện quan trọng đánh dấu cột mốc trong hành trình phát triển hệ thống chuỗi siêu thị UBG Mart 4.0. Chuỗi siêu thị thông minh đã chính thức khai trương thành viên thứ năm tại 189 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Thế nhưng, Thương hiệu & Công luận lại nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc, UBG Mart 4.0 có địa chỉ tại số 189 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa bày bán sản phẩm, thực phẩm hết hạn sử dụng, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt… gây lo lắng cho người tiêu dùng, khách hàng.

Nhận được phản ánh, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã “mục sở thị” tại cơ sở siêu thị nói trên và đúng như những gì người tiêu dùng, khách hàng phản ánh.

leftcenterrightdel
Siêu thị UBG Mart 4.0 có địa chỉ số 189 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. 

Ngày 20/07/2022, phóng viên đã “mục sở thị” tại siêu thị UBG Mart 4.0 có địa chỉ tại 189 Hoàng Cầu, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Theo quan sát của phóng viên, siêu thị UBG Mart 4.0 chia ra nhiều gian hàng, đa dạng các mặt hàng như: Rượu, hoa quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn, mỹ phẩm…

Quan sát kỹ tại gian hàng thực phẩm đông lạnh, phóng viên nhận thấy trên một số sản phẩm như: Cánh gà, đùi tỏi gà, phi lê ức gà… đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được siêu thị UBG Mart 4.0 bày bán trên kệ cho người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Gian hàng thực phẩm đông lạnh của siêu thị UBGMart 4.0. 

Cụ thể, sản phẩm Cánh gà, đùi tỏi gà, phi lê ức gà… trên bao bì của sản phẩm thông tin: Sản phẩm chất lượng của CÔNG TY TNHH THỰC PHẨM 3F VIỆT có địa chỉ số 320, tờ bản đồ số 48, ấp Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; Sản xuất theo sự cho phép sử dụng nhãn hiệu của CÔNG TY CỔ PHẦN MEATLIFE có địa chỉ tại Lầu 10, Toà Central Plaza, số 17 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Những sản phẩm này trên bao bì ghi ngày sản xuất là 16/07/2022 và hạn sử dụng đến ngày 19/07/2022. Như vậy, tính đến thời điểm phóng viên có mặt, những sản phẩm nói trên đã quá hạn sử dụng nhưng không hiểu vì sao, sản phẩm này vẫn nằm trên kệ hàng của siêu thị UBGMart 4.0. Khi những sản phẩm thịt gà này hết hạn sử dụng đến tay người tiêu dùng thì không biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ sẽ như thế nào?

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Trên một số sản phẩm như: Cánh gà, đùi tỏi gà, phi lê ức gà… đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được siêu thị UBG Mart 4.0 bày bán trên kệ cho người tiêu dùng.

Việc bày bán các sản phẩm hàng hoá đã hết hạn sử dụng, đặc biệt là các thực phẩm liên quan đến ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng.

Tiếp tục ghi nhận, tại khu vực bày bán đồ dùng gia đình, đồ  ăn khô phóng viên Thương hiệu & Công luận còn thấy có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Thái Lan) nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thông tin của sản phẩm, không có đơn vị nhập khẩu và phân phối như:  Rong biển Miso 20g, Sáp thơm đuổi muỗi Oasis…

leftcenterrightdel
 Sản phẩm rong biển Miso trên bao bì 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
leftcenterrightdel
Sản phẩm sáp thơm đuổi muỗi Oasis trên bao bì 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Thái Lan) nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt khiến người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm. 

Như vậy, việc những sản phẩm nói trên không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt… khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy thì những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua?

Là một trong những thương hiệu lớn, siêu thị UBG Mart 4.0 bán những sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt… liệu rằng, những sản phẩm trên có thực sự an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm?

leftcenterrightdel
Khi mang sản phẩm Phi Lê Ức Gà hết hạn sử dụng ra quầy thanh toán, nhân viên thu ngân của siêu thị UBGMart 4.0 quét mã vạch tính tiền không ra, nên đành phải nhập thông số bằng tay. Nhân viên của siêu thị UBGMart 4.0 cũng không nhận ra sản phẩm của bên mình bán cho người tiêu dùng đã hết hạn sử dụng, vẫn vô tư tính tiền... 

Quy định về hàng hoá, tem nhãn

Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Theo quy định của pháp luật, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, tại Điều 17 Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì với hành vi “Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa” thì người vi phạm bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất của hành vi này đến 50 triệu đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên...

Về thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân.

Người tiêu dùng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra trong toàn chuỗi hệ thống siêu thị UBGMart 4.0, hiện có bao nhiêu sản phẩm hết hạn sử dụng vẫn đang được bày bán, đang ngày đêm rình rập, đem nguy cơ hại người tiêu dùng. Có bao nhiêu khách hàng đã sử dụng phải các sản phẩm hết hạn sử dụng của chuỗi siêu thị UBGMart 4.0 này?

Theo thông tin trên chính website của hệ thống siêu thị UBG Mart 4.0, trên thị trường bán lẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế UBG có 04 siêu thị UBGMart 4.0 được đặt tại các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đà Nẵng và Hà Nội và 01 UBG Coffee tại Bình Thuận. Với chiến lược mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng, mua sắm áp dụng Công nghệ 4.0 giúp Khách hàng tiêu dùng tiết kiệm 40%.

Hệ thống chuỗi siêu thị thông minh UBG Mart 4.0 sẽ được nhân rộng tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm ra thị trường. Phương châm thì “Các sản phẩm, hàng hoá được bán trên hệ thống UBG là những sản phẩm được chọn lọc và đảm bảo bình ổn giá so với thị trường; đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng…” nhưng thực tế lại bày bán những sản phẩm hết hạn sử dụng, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt cho thượng đế, khách hàng?

leftcenterrightdel
 Siêu thị UBG Mart 4.0 cam kết cung cấp đến người tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng nhưng thực tế lại bày bán những sản phẩm hết hạn sử dụng...

Theo UBG Mart 4.0 giới thiệu trên website, kế hoạch dự kiến trong năm 2024 Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế UBG sẽ phát triển chuỗi siêu thị UBG Mart 4.0 ra khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Vậy với tình trạng bán hàng hoá, thực phẩm hết hạn như hiện nay, thì UBG Mart 4.0 có đảm bảo rằng sẽ mang những hàng hoá, sản phẩm chất lượng đến trực tiếp tay người tiêu dùng hay không?

Thương hiệu & Công luận đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra và có hình thức xử lý vi phạm.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ảnh hưởng của việc ăn thực phẩm hết hạn có thể dao động từ “không ảnh hưởng gì” đến “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Một số hạn sử dụng có thể liên quan trực tiếp đến hương vị của sản phẩm, nhưng nghiêm trọng hơn, trong một vài trường hợp ăn thực phẩm đã quá hạn có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng và tác động lên sức khỏe sẽ tùy thuộc vào loại ngộ độc. Tuy nhiên, những triệu chứng thường gặp bao gồm: đau quặn bụng, nôn mửa liên tục, sốt, chóng mặt, mất nước và tiêu chảy. Những triệu chứng này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày hoặc thậm chí vài tuần tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của tình trạng ngộ độc. Những loại thực phẩm đã quá hạn “sử dụng đến ngày” hoặc bảo quản trong tình trạng không tốt có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc nghiêm trọng như salmonella hoặc listeria.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.