Nội dung bài viết được chia sẻ trên Tạp chí Kinh tế Môi trường:
Có thể thấy, Vân Đồn được đánh giá là một địa điểm đắc địa. Song từ khi đổi chủ về tay Tập đoàn CEO, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (tên cũ là dự án khu du lịch Vịnh Bái Tử Long của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ và bán lại cho Công ty Bảo Nguyên) vẫn chưa hết vận đen.
Trước đây, dự án này có diện tích 100 ha, từng nằm trong diện nguy cơ bị thu hồi do chậm tiến độ triển khai gần 10 năm. Sau đó, Tập đoàn CEO mua lại toàn bộ dự án để phát triển khu đô thị - du lịch nghỉ dưỡng có mức đầu tư tới 5.000 tỉ đồng, giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn có vốn điều lệ 300 tỉ đồng thực hiện dự án này.
Việc đổi chủ, mở rộng quy mô gấp 3,5 lần so với dự án cũ song điều mà dư luận quan tâm như các yếu tố: phạm vi dự án cụ thể ở đâu, có lấn rừng, lấp biển với diện tích đất, mặt nước bao nhiêu... thì không được công khai, vẫn còn là một ẩn số.
Đây không phải là lần đầu CEO vướng phải những lùm xùm. Trước đó, chuyên trang Tuổi trẻ & Pháp luật chia sẻ, tháng 6/2019, Tập đoàn CEO từng bị xử lý vi phạm và truy thu về thuế 2,8 tỷ đồng. Báo điện tử Tầm nhìn có bài viết phản ánh việc Dự án Sonase Vân Đồn của CEO là một trong những dự án đi ngược Nghị quyết về việc hạn chế lấn biển, lấp núi của tỉnh Quảng Ninh.
Như vậy, rõ ràng, tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, chưa có báo cáo tác động môi trường song chủ đầu tư vẫn triển khai thi công, san lấp mặt bằng. Song song với thi công thì việc rao bán rầm rộ những căn biệt thự trị giá hàng chục tỉ đồng vẫn âm thầm được chào bán ra thị trường. Trong tình thế “tù mù” pháp lý, người mua đất cần hết sức cẩn trọng khi xuống tiền đầu tư. Và, phải chăng để triển khai các dự án siêu đô thị nghìn tỉ như Sonasea Vân Đồn Harbor City có hay không sự hậu thuẫn từ phía các ngân hàng?