Dưới đây, TS BS. Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sẽ giải đáp những thắc mắc về vắc xin Covid-19.

1. Tiêm vắc xin Covid-19 có tác dụng gì?

Tiêm chủng là một cách thức nhằm giúp con người tạo ra khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại bệnh truyền nhiễm. Vắc xin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể không bị lây nhiễm bởi virus SARS-CoV-2 hoặc không bị bệnh Covid-19. Trong thời điểm đại dịch, mục tiêu của vắc xin Covid-19 còn là giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong.

2. Những đối tượng nào đang được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19? Người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 ở đâu?

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin hiện nay bao gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên…); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước…; Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Ngoài ra hiện nay công nhân cũng là nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin hàng đầu, đặc biệt là những người làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất, nhằm đảm bảo cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt.

Bạn có thể liên lạc cơ quan y tế địa phương hoặc y tế cơ quan để được cập nhật thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho bạn và gia đình.

leftcenterrightdel
 Người dân đi tiêm phòng vắc xin Covid-19, ảnh Việt Hùng.

3. Vừa mới tiêm vắc xin loại khác có được tiêm vắc xin Covid-19 hay không? Sau bao lâu có thể tiêm?

Vắc xin Covid-19 được khuyến cáo sử dụng riêng, với khoảng thời gian tối thiểu là 14 ngày trước hoặc sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào khác.

Mặc dù hiện nay đã có thêm nhiều dữ liệu được thu thập về tính an toàn của vắc xin Covid-19 nhưng vẫn nên thận trọng khi phối hợp vắc xin vì những lo ngại về tính an toàn hoặc tính sinh miễn dịch của vắc xin.

Nếu vì những lý do đặc biệt cần phải phối hợp vắc xin Covid-19 với vắc xin khác khi tiêm chủng thì khuyến cáo nên tiêm vắc xin ở 2 chi riêng biệt hoặc nếu tiêm cùng 1 chi thì vị trí tiêm cách xa nhau ít nhất 2.5 cm trở lên.

4. Đang sử dụng thuốc kháng sinh có nên tiêm vắc xin hay không? Tại sao?

Vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh có thể liên quan đến bệnh lý cấp tính bạn đang mắc phải, và đó là một trong những lý do bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm sẽ cân nhắc có nên trì hoãn tiêm chủng hay không. Vì vậy bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

5. Những đối tượng nào không nên tiêm vắc xin Covid-19?

Mục này bao gồm: trì hoãn tiêm chủng và chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19.

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng:

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù,...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Các đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19:

- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

6. Người đang mang thai có nên tiêm vắc xin không? Tại sao?

Dựa trên cơ chế hoạt động của các loại vắc xin Covid-19 trong cơ thể thì khó có khả năng gây rủi ro cho người đang mang thai. Tuy nhiên, trên thế giới các dữ liệu hiện có về tính an toàn của vắc xin Covid-19 đối với người mang thai còn hạn chế. Các thử nghiệm lâm sàng về độ an toàn của vắc-xin Covid-19 và hiệu quả trên phụ nữ có thai vẫn đang được tiến hành.

Các đơn vị sản xuất vắc xin cũng đang thu thập thêm và tiếp tục đánh giá dữ liệu từ những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng hoàn chỉnh đã tiêm vắc xin và mang thai ngay sau đó. Vì vậy trước khi có những kết luận đầy đủ về dữ liệu an toàn cho thai kỳ, Bộ Y tế Việt Nam chưa có khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ có thai, và đây sẽ là nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng.

leftcenterrightdel
 


7. Người bị dị ứng có được tiêm vắc xin Covid-19 không? Tại sao?

Theo TS BS. Nguyễn Huy Luân, khi khái niệm dị ứng khi được đề cập, bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng sẽ cần hỏi cụ thể thêm nhiều thông tin như:

Mức độ dị ứng như thế nào?

Loại dị ứng nguyên mà bạn gặp phải?

Những lần dị ứng trước đây, bạn đã được điều trị như thế nào?

Cơ địa dị ứng có liên quan đến yếu tố gia đình hay không?

Tình trạng dị ứng có liên quan trực tiếp đến vắc xin Covid-19 lần này tiêm chủng hay không?

Vì vậy bác sĩ khám sàng lọc sẽ tìm hiểu và có quyết định chỉ định tiêm chủng trong từng trường hợp cụ thể.

8. Người có bệnh nền mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường…) cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19?

Các đối tượng có bệnh lý có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị vì lý do tiêm vắc xin Covid-19, và ngày đi tiêm vắc xin bạn cần đem toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

9. Tiêm đủ 2 mũi thì được bảo vệ trong bao lâu? Khi nào cần tiêm nhắc lại?

Tiêm vắc xin giúp giảm đáng kể khả năng nhiễm bệnh Covid-19. Không có loại vắc xin nào có hiệu quả 100%, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy vắc xin AstraZeneca hiệu lực bảo vệ đến 75-85% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh Covid-19 có triệu chứng và đến 100% trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh Covid-19 nặng hoặc nguy kịch và cần nhập viện.

Điều này có nghĩa là có rất ít người đã tiêm chủng bị nhiễm Covid-19 và khi nhiễm nếu có thì chỉ ở mức độ nhẹ đến trung bình, vì vậy nguy cơ nhập viện và tử vong do nhiễm Covid-19 gần như được loại trừ nếu được tiêm chủng đầy đủ.

Đồng thời, người đã tiêm chủng nếu nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sẽ có ít phần tử vi rút trong mũi và miệng hơn và có ít khả năng lây truyền cho người khác hơn. Việc giảm khả năng lây truyền này rất quan trọng vì tiêm chủng không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn hạn chế lây lan vi rút cho người thân, bạn bè và những người khác.

Hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức về việc tiêm mũi nhắc vắc xin Astra Zeneca ngoài liệu trình tiêm vắc xin 2 mũi cơ bản. Và thời gian bảo vệ kéo dài của vắc xin Astra Zeneca vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để xem xét có cần tiêm thêm mũi nhắc hay không.

10. Trước và sau tiêm cần lưu ý những gì?

Thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam (hình đính kèm)

leftcenterrightdel
 

 

11. Khi muốn được tư vấn trước và sau khi tiêm từ chuyên gia của BV ĐHYD TP.HCM, có thể liên hệ đến số điện thoại nào?

Bạn có thể liên hệ số điện thoại của Đơn vị tiêm chủng 02839525144 (trong giờ hành chính) để được tư vấn các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

12. Phản ứng thông thường sau tiêm là gì, sẽ kéo dài trong bao lâu?

Tương tự như tất cả các loại vắc xin khác, vắc xin Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ. Hầu hết tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 thường nhẹ và ngắn hạn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và không phải ai cũng gặp phải (chiếm khoảng 10-20% số người được tiêm chủng), bao gồm:

- Đau cánh tay ở vị trí tiêm

- Cảm thấy mệt mỏi

- Đau đầu

- Cảm thấy đau nhức cơ thể

- Bị sốt hoặc cảm thấy lạnh run

Các triệu chứng có thể kéo dài 1 đến 3 ngày sau khi tiêm vắc xin. Tác dụng phụ có thể xảy ra sau liều tiêm đầu tiên và/hoặc liều thứ hai. Nếu bạn có những tác dụng phụ thông thường và nhẹ như trên sau liều vắc xin đầu tiên, bạn vẫn tiêm được liều vắc xin thứ hai.

13. Nếu có bất thường nặng sau tiêm, nên làm gì?

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine Covid-19 là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...

Diễn biến nặng lên của những triệu chứng thông thường sau tiêm chủng, gồm sốt cao > 39°C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, thay đổi huyết áp cũng là những dấu hiệu nghiêm trọng cần cấp cứu.

Các dấu hiệu liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu thường xuất hiện từ ngày thứ 4 cho đến ngày thứ 30 sau tiêm vắc xin: triệu chứng nhức đầu dữ dội, đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực; thay đổi trạng thái tinh thần, ngủ gà và lơ mơ; đau ngực và khó thở; sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động; vết bầm tím ngoài da dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu màu đỏ tươi, tím bầm, khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng; chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên; tiểu máu, đi cầu phân đen hoặc máu tươi.

14. Chế độ dinh dưỡng, vận động trước và sau tiêm như thế nào để đảm bảo sức khỏe?

leftcenterrightdel
 Chế độ dinh dưỡng vận động sau tiêm vắc xin.

Nguồn Doanh nghiệp Tiếp thị
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/ts-bs-nguyen-huy-luan-giai-dap-14-thac-mac-thuong-gap-khi-tiem-vac-xin-covid-19-ai-cung-nen-biet-161210208133509790.htm