Trong 9 bước này, người vi phạm phải xử lý thao tác ít nhất 3 bước, các bước còn lại hệ thống và các cơ quan có liên quan sẽ xử lý.
Cụ thể:
Bước 1: Cảnh sát giao thông nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm, hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, số quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
Bước 2: Các nội dung được trích xuất từ quyết định xử phạt đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).
Bước 3: Thông tin về quyết định xử phạt do cơ quan cảnh sát giao thông cung cấp sẽ được Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
Bước 4: Kho bạc nhà nước (ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bước 5: Bưu điện sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận tại nhà sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 6: Thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bước 7: Cổng Dịch vụ công quốc gia phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ tại nhà do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
Bước 8: Cục Cảnh sát giao thông phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do cơ quan cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt về các điểm xử lý vi phạm của công an địa phương.
Bước 9: Cơ quan cảnh sát giao thông qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhận lại.
Với hình thức nộp phạt trực tuyến qua cổng dịch vụ công, người dân không phải đi lại, các tài xế tỉnh ngoài cũng không phải đi xa nộp phạt. Người vi phạm chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc nộp phạt trực tuyến sẽ tránh được việc đi lại, tiếp xúc dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.