Theo đó, Điều 17 của Nghị định 137/2020 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên; không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hay sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (là loại có chứa thuốc pháo nổ) đều vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn việc sử dụng pháo hoa không tiếng nổ, theo Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ 11/1/2021, thì không vi phạm pháp luật.
Theo Đại tá Vũ Minh Hùng - Trưởng phòng Hướng dẫn, Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: "Theo quy định mới của Nghị định 137 về khái niệm về pháo thì có 2 loại: pháo nổ và pháo hoa.
Pháo nổ là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp dưới sự xung kích thích cơ nhiệt điện và có tạo ra tiếng nổ hoặc tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian. Loại pháo mà tạo ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian thì được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa có khái niệm rất rõ ràng là sản xuất thủ công hoặc công nghiệp dưới tác động xung kích thích cơ nhiệt điện có thể tạo ra âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian nhưng không gây tiếng nổ. Loại pháo này thực tế từ trước đến nay, chúng ta đều biết đó là trong các lễ hội như sinh nhật, cưới hỏi, người dân vẫn thường sử dụng để đốt, tạo nên những bông hoa, ánh sáng rực rỡ trên, trên khán đài nhưng không có tiếng nổ. Về mức độ nguy hiểm, do không có thuốc nổ nên cũng không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân mà nó chỉ tạo nên ánh sáng, màu sắc".