Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí còn xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn trên tất cả các tuyến, trong nội địa và cả ngoài biển.
Một trong những vấn nạn đó là vận chuyển hàng lậu bằng xe luồng xanh.
Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc cấp giấy nhận diện phương tiện (mã QR Code) ưu tiên theo “luồng xanh” tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số lái xe đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
|
|
Vạch trần những thủ đoạn lưu thông hàng lậu trong mùa dịch Covid-19 |
Mới đây, tại chốt kiểm soát dịch bệnh số 20, tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, lực lượng chức năng phát hiện xe tải biển kiểm soát 71C-077.76 do lái xe Trần Kim Biên (SN 1984, ở Ấp 5, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển có thẻ nhận diện “luồng xanh” chở gần 1.000 thùng carton chứa bánh trung thu do nước ngoài sản xuất; mỗi thùng chứa 8 hộp bánh, tổng cộng hơn 200.000 chiếc.
Lái xe chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trên các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt đối với sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Lái xe Trân Kim Biên khai nhận được thuê vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai đi TP.HCM để tiêu thụ. Tuy nhiên, khi qua địa phận Hà Nội thì bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.
Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu trò mới như đổi tên liên tục với lô hàng cấm, “thay tên đổi họ”, khai báo gian dối hàng hoá. Đội trưởng Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) Đặng Bùi Việt cho biết, đầu tháng 7/2021, Đội đã điều tra, phát hiện một container hàng từ Mỹ cập cảng Cát Lái có nhiều nghi vấn nên đã phối hợp với các lực lượng khám xét.
Kết quả, phát hiện container chứa đầy hàng cấm, gồm 45 mặt hàng là tivi, bếp ga, máy tính để bàn, lò vi sóng, máy trộn, điện thoại cố định... Tất cả số hàng này đều đã qua sử dụng, cũ kĩ, bị bể nát, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, không đúng với hàng hóa ghi trên vận đơn.
Trả lời về vấn nạn hàng lậu, hàng giả, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu nhưng thực chất là nhập thành phẩm để tái xuất) để gian lận; thủ đoạn che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; các đối tượng cấu kết, móc nối với nhau trong nước và nước ngoài để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trái phép.
Một số hành vi lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử có hành vi không khai, khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng… để vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Các nhóm đối tương vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp bằng các loại phương tiện khác nhau như đường biển, đường hàng không, qua đường chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính hay thành lập công ty để buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Xác định được phương thức, thủ đoạn của các nhóm đối tượng trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh quốc tế, các lực lượng chức năng đã tăng cường lực lượng, phương tiện, tập trung tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xác định các đối tượng trọng điểm, thực hiện đúng quy trình thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa qua biên giới, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu.