Theo CNBC, các quan chức của WHO cho biết, đại dịch COVID-19 có khả năng tồn tại cùng chúng ta khi SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng và hy vọng tiêu diệt hoàn toàn virus này đang giảm dần.“Tôi nghĩ SARS-CoV-2 sẽ tồn tại cùng chúng ta và sẽ biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm”, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo.
Đây không phải là lần đầu tiên WHO đưa ra khẳng định này. Trước đây, các quan chức WHO từng nhận định, vaccine phòng COVID-19 không thể giúp thế giới sẽ tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2 giống như các loại virus khác.
Một số chuyên gia y tế hàng đầu nước Mỹ như Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế của Nhà Trắng và ông Stephane Bancel, Giám đốc điều hành hãng Moderna, đều cảnh báo rằng thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 mãi mãi, giống như việc chúng ta sống chung với bệnh cúm.
“Chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ hoặc xoá sổ được virus này”, ông Ryan nói.
Các quan chức WHO cho biết thêm, nếu thế giới có những bước đi sớm hơn để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 thì tình hình hiện nay có thể đã rất khác.
“Mọi việc sẽ không tồi tệ đến mức này nếu chúng ta có những hành động kịp thời từ khi đại dịch mới bắt đầu bùng phát”, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết.
Với chính sách tiêm thêm mũi vaccine thứ 3 cho công dân tại các nước giàu hiện nay, các chuyên gia WHO cũng nhận định đây là điều cần thiết cho những cá thể có sức đề kháng yếu, tuy nhiên, nó là không cần thiết để tiêm chủng toàn dân. Điều này có thể khiến các nước nghèo bị lỡ mất những mốc quan trọng để có thể giảm thiểu tối đa nhất những thiệt hại về người và của tại các nước nghèo do dịch COVID-19 gây ra.
Được biết, hiện nay, với việc xuất hiện ngày càng nhiều biến thể Sars-CoV-2 nguy hiêm như Delta, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới bước sang giai đoạn mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia thậm chí đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19.
Có thể nói, những thay đổi này bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.
Hơn 1 tháng sau khi dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế chống COVID-19 vào tháng Bảy vừa qua, nước Anh ghi nhận khoảng 25.000 ca mỗi ngày.
Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên 100.000 mỗi ngày, khiến nhiều bệnh viện hết giường chăm sóc đặc biệt hoặc phải chăm sóc gấp đôi số lượng bệnh nhân có thể tiếp nhận, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng và tuân thủ quy định đeo khẩu trang thấp.
Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại.
Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu "zero-COVID" trong một thời gian dài, Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.
Trước thực tế trên, các chuyên gia đều cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi," và “zero COVID” sẽ không xảy ra kể cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh phong tỏa lâu dài.
Tổng Y sỹ Mỹ Vivek Murthy thừa nhận COVID-19 sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn, nên điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong.
Trong khi đó, Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hội châu Á-Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, nhận định những diễn biến trên đều cho thấy một xu hướng là cần phải chấp nhận số ca nhiễm tăng ở chừng mực nhất định, miễn là không đi kèm số ca bệnh nặng và tử vong tăng theo.
Hiện nay, để chuyển đổi chiến lược chống dịch, các nước đều dồn mọi nỗ lực tới mục tiêu nâng mức độ bao phủ tiêm chủng đến mức được tin là an toàn (80-85% dân số) để mở cửa trở lại, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ có những lúc vẫn phải phong tỏa, giãn cách để kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
Giới chuyên gia khẳng định sống chung với COVID-19 là một tương lai mà ở đó các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch song song mục tiêu giảm thiểu cản trở hoạt động kinh tế.
Để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.
Thay đổi này không phải là đầu hàng mà là bước chuyển hướng đến chiến thắng vì COVID-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng và việc học cách thay đổi sẽ giúp thế giới thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang nỗ lực hết mình trong công tác ngoại giao vaccine nhằm nhanh chóng chạm tới mục tiêu tiêm chủng COVID-19 cho toàn bộ người dân trong thời gian sớm nhất. Mục tiêu này đang ngày càng có những bước tiến lớn khi không chỉ kêu gọi được sự ủng hộ từ quốc tế mà các nghiên cứu về vaccine COIVD-19 'made in Vietnam' trong thời gian gần đây cũng liên tục có những kết quả thử nghiệm lâm sàng tích cực.
Cùng với hoạt động tiêm chủng vaccine, việc tuân thủ tốt thông điệp 5T cũng là một trong những 'vũ khí' quan trọng có thể giúp Việt Nam nhanh chóng được trở lại với tình trạng bình thường mới.