Đầu tư chứng khoán là một công việc khó. Khó không hẳn là ở việc hàng ngày phải theo dõi tin tức, lên kế hoạch, lập kịch bản và cách ứng xử phù hợp. Mà ngoài những công việc đó ra, khó nhất là xác định mục tiêu và vùng giá để "xuống tiền".
Trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ phương pháp của bản thân, đúc kết được từ những trải nghiệm trong nhiều năm trên TTCK. Trong đó thành công cũng không ít, nhưng thất bại đau đớn cũng rất nhiều. Những thất bại tôi luôn ghi nhớ, khắc sâu trong tâm, đó là bài học quí giá để có thể chia sẻ cùng các bạn. Vì bài viết này hoàn toàn mang quan điểm cá nhân, nên không có đúng có sai. Đặc biệt là qui mô vốn đầu tư rất khác nhau, cho nên để áp dụng chung cho tất cả, là điều không nên làm.
Trong một khía cạnh nào đó, chứng khoán là một loại hàng hóa. Ưu điểm của loại hàng hóa này là nó không ôi thiu, có thể để dành lâu dài. Nhưng nhược điểm của nó là sự biến động giá không ngừng, thậm chí nếu chọn sai mặt hàng, có thể dẫn đến phá sản. Như vậy việc chọn hàng là điều tối quan trọng. TTCK cũng như một xã hội thu nhỏ, ở đó có gian thương, có kẻ cơ hội trục lợi, cũng có những con người thông thái, có cả những người dại dột, bị lừa.
Dù bất kể trường hợp nào, chúng ta hãy cố gắng trung thực với bản thân mình, cố sửa chữa những sai lầm nếu xảy ra. Còn đừng đi theo những kẻ gian thương, đừng đi theo những con người cơ hội trục lợi, vì tiền đó kiếm được không bền.
|
|
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp |
3 yếu tố định tính khi đầu tư
1. Niềm tin: Nếu không có niềm tin vào kênh đầu tư chứng khoán, hãy dứt khoát đừng tham gia. Đừng nghĩ đơn giản là mình "nhảy" vào một tý, kiếm chác xong chạy ra, là chấm dứt. Nhiều người thiếu niềm tin, nhưng do thích cơ hội trục lợi, nhảy vào rồi không dứt ra được. Một khi đầu tư chứng khoán, phải có niềm tin vào tương lai tươi sáng của TTCK Việt Nam trong trung hạn 6 tháng, dài hạn 2-3 năm.
2. Chọn hàng (mã) có lợi thế tương lai: Dù bất kể mục tiêu chỉ ngắn hạn 3 tháng, hay dài hạn 3 năm, nhưng khi chọn hàng phải ưu tiên cho những loại không bị ảnh hưởng xấu, tiêu cực bởi tình thế và có được lợi thế. Hiện nay tình hình Covid khá phức tạp, nhưng có điều khá may mắn là sự tiêu cực ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không niêm yết trên sàn. Nhiều doanh nghiệp niêm yết còn hưởng lợi, còn có tương lai tốt khi có thể thâu tóm, chiếm thị phần các doanh nghiệp yếu.
3. Giảm là cơ hội trong Big trend: Trong bất kỳ một cơn sóng lớn nào (thường kéo dài ít nhất 3 năm), những đợt điều chỉnh luôn xảy ra. Nhưng nếu cân bằng được tâm lý, cân bằng được tài sản, thì khi đó lại là những cơ hội tốt nhất.
5 yếu tố định lượng chọn cổ phiếu
1. Index: Đầu tư luôn phải lấy index làm cơ sở. Hãy gạt bỏ ý nghĩ chúng ta là thiên tài, để tìm được những mã đi ngược sóng. Nếu xác định Index cuối năm 2021 là 1.400-1.450, cuối năm 2022 có thể lên đến 1.500-1.600, thì cứ vững tin chọn hàng khi Index giảm sâu dưới 1.300. Thường vùng mua lý tưởng nhất trong big trend là khi thị trường chung giảm khoảng 15%-20%.
2. EPS: Luôn review định kỳ tình hình kinh doanh của các mã mục tiêu. Các chỉ số P/E là rất quan trọng, đặc biệt cho từng mã, từng ngành riêng. Việc dự đoán xa còn khó, chứ có rất nhiều mã có thể dự đoán tương đối KQKD quý liền tới. Vùng nên xuống tiền là khi P/E của mã đó tạo đáy lịch sử (hãy nhớ là P/E chứ không phải giá cả). Có nhiều mã dù giá đã tăng gấp 5 lần trước đây, nhưng hiện nay lại là rẻ nhất lịch sử.
3. Hàng hóa thiết yếu: Một khi mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mục tiêu được xác định cụ thể, có tăng trưởng bằng các con số chi tiết, đong đếm được, thì mã đó mới nên xem xét. Chẳng hạn như mã chứng khoán trên sàn có tên tuổi nổi tiếng, nhưng khi báo cáo các con số về tăng trưởng, về độ phủ thị phần, thấy rõ là đi xuống, thì mã này dứt khoát không nên đầu tư. Còn ngược lại như một số mã của các CTCK hàng đầu, có lượng khách hàng tăng trưởng rất tốt, có khả năng tiếp tục tăng vốn, mang lại doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng bằng các con số % ổn định, thì đó là những mã nên ưu tiên.
4. Chớp thời cơ: Thời cơ không phải diễn ra trong 1 ngày, một phiên, mà thường diễn ra trong một quá trình, một thời gian nhất định. Nếu coi mức 10% điều chỉnh của Index là mức tuyệt vời, thì có nghĩa là bắt đầu từ vùng khi Index giảm 7% là có thể xem xét. Giá mua càng rẻ càng tốt. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp không có biến động đột biến trong hoạt động kinh doanh, thì giá phản ứng theo cung cầu. Khi đó hãy tận dụng những lúc hoảng loạn nhất, nhiều tin đồn thổi nhất, "chim lợn" bay rợp trời, ai cũng nói bán, thì hãy mạnh dạn xuống tiền lớn.
5. Rải mua: Nếu định dành tiền để mua 1 mã mục tiêu nào đó, thì sau khi xác định theo điểm 2 (P/E về vùng đáy lịch sử), điểm 3 (doanh thu tăng trưởng ổn định), điểm 4 (index giảm 7%), thì bắt đầu mua. Nên mua lần đầu 30% số tiền dành cho mã đó. Chờ đến ngày T3-T5, nếu vùng giá không biến động quá 3-5%, thì có thể mua tiếp 30% nữa. Còn nếu giảm sâu hơn mức đó, có thể mua thêm tăng lên 80%. Nếu đã tăng quá mức đó, dừng mua.
Đây là những điều tôi đã đúc kết dành cho bản thân mình, đang áp dụng vào thực tế hiện này. Nó không dành cho những giao dịch liên tục, những kiểu lướt sóng thuần túy hay dành cho những người có tham vọng "ăn bằng lần" sau 3 ngày. Nhưng sau hơn 1 năm qua, khi nhìn lại thì có kết quả tương đối hiệu nghiệm. Hy vọng phương pháp này có thể giúp ích cho những ai đang đầy đủ trạng thái sẵn sàng, nhất là trong những hoàn cảnh khá phù hợp như hiện nay.