Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt tại TPHCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân được khuyến cáo ở nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, hạn chế tập trung đông người, tạm dừng hoặc tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu…
Chính vì thế, việc mua bán hàng online nở rộ, người dân tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm thiết yếu, các thông tin liên quan đến khám chữa bệnh qua Internet nhiều hơn, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có tâm lý hoang mang… Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.
|
|
Cảnh báo những chiêu trò lừa đảo qua mạng mùa giãn cách |
Một chiêu trò thường xuyên xảy ra thời gian gần đây đó là lừa bán thực phẩm qua mạng. Cụ thể, nắm bắt nhu cầu nhiều khách hàng đặt mua thực phẩm trong thời gian giãn cách, nhiều kẻ lừa đảo dụ dỗ chuyển tiền trước rồi “lặn không sủi tăm”, hoặc giao thực phẩm hư, không đúng như quảng cáo.
Mới đây, có khoảng 300 nạn nhân phản ánh, họ đặt mua rau củ quả tài khoản Facebook Hữu Cơ Đà Lạt, bị chủ tài khoản này chiếm đoạt tiền cọc và không giao hàng, số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng/người. Chị D.T.H. (tỉnh Hải Dương) cho biết, chị đặt mua rau củ, thịt cá trên trang này và chuyển khoản cho người nhận tên là Cao Thị Mỹ Linh, số tài khoản 05610… với số tiền 10,7 triệu đồng nhưng không được giao hàng, số điện thoại và Facebook bán hàng cũng đồng loạt khóa. “Tôi đã làm đơn trình báo với cơ quan công an để sớm tìm ra thủ phạm” - chị H. nói.
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM cũng phối hợp với Công an TP.Thủ Đức bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (trú tại TPThủ Đức) về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, theo Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhiều đối tượng còn giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh hay Tổ chức Y tế Thế giới gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19.
Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Các đối tượng còn mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,… nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức; dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo do chúng lập ra mạo nhận là giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. Tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19. Nhưng khi người dùng tải về điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng của nạn nhân.
Trước tình hình trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương khuyến cáo, người dân nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, hãy lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Trước khi lựa chọn hàng hóa, nên tránh mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều. Hãy đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt, cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.
Đồng thời để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân/bạn bè nhờ nhận, chuyển hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra (qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video call) hoặc kiểm tra "thử" bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.