Đặt kế hoạch lợi nhuận “cắm đầu”

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã lên kế hoạch kém lạc quan cho năm 2022. Theo đó, kế hoạch doanh thu hợp nhất chỉ là 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng; giảm lần lượt 1,3% và 64% so với năm 2021. Con số lợi nhuận điều chỉnh giảm so với mức công bố trước đó.

Nguyên nhân của kế hoạch kém lạc quan này là “Dư địa của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện trong khi nguồn cung của hệ thống điện quốc gia tăng đáng kể do bổ sung các nhà máy điện mới đưa vào vận hành và các nguồn năng lượng tái tạo… ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hiện có của PV Power.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Về nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, các nhà máy điện của PV Power phải sử dụng nguồn khí bổ sung giá cao ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh khi tham gia thị trường điện.

Năm nay nhiều nhà máy điện của PV Power sẽ ngừng máy để thực hiện sửa chữa lớn như nhà máy điện Cà Mau 1&2 thực hiện đại tu, nhà máy điện Nhơn Trạch 1 thực hiện trùng tu, nhà máy điện Vũng Áng 1 thực hiện đại tu và khắc phục sự cố của tổ máy số 1, nhà máy điện Đakđrinh thực hiện đại tu”.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên của chỉ tiêu kinh doanh của PV Power đi lùi. Trước đó, năm 2021 và năm 2020, doanh thu, lợi nhuận tại PV Power đề giảm đáng kể.

Cụ thể, Năm 2021, doanh thu hợp nhất chỉ đạt 24.561 tỷ đồng, giảm 5.171 tỷ đồng, tương đương 17,4% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế giảm 611 tỷ đồng, tương đương 22,9% xuống 2.052 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh thu hợp nhất của PV Power giảm 5.642 tỷ đồng, tương đương 15,9% xuống 29.732 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 192 tỷ đồng, tương đương 6,7% xuống 2.663 tỷ đồng.

Nếu PV Power thực hiện đúng kế hoạch thì doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty sẽ giảm 11.132 tỷ đồng (31,5%) và 2.112 tỷ đồng (74%) so với năm 2019.

PV Power vẫn duy trì lương tiền tỷ cho lãnh đạo

Lên kế hoạch giảm tới 64% lợi nhuận sau thuế sau 1 năm và 74% sau 3 năm nhưng PV Power vẫn duy trì chế độ lương bạc tỷ cho dàn lãnh đạo.

Cụ thể, theo kế hoạch tiền lương, thu nhập năm 2022 của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát chuyên trách, trong năm 2022, PV Power sẽ chi 11,86 tỷ đồng cho 11,75 sếp (số bình quân). Như vậy, trung bình mỗi người sẽ nhận được hơn 1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quỹ thù lao 11,86 tỷ đồng này giảm so với con số tổng đã chi 12,65 tỷ đồng trong năm 2021. Nghĩa là thù lao của dàn lãnh đạo này giảm 790 triệu đồng, tương đương 6,2%.

Thế nhưng, theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, số tiền thực chi cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát “chỉ” là 11,7 tỷ đồng, vẫn thấp hơn con số kế hoạch năm 2022 một chút. Nghĩa là dàn lãnh đạo này vẫn được tăng lương bất chấp kế hoạch lợi nhuận, doanh thu lao dốc.

Năm 2021, PV Power gây chú ý khi 16 sếp được trả thù lao trên 1 tỷ đồng.

Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Power được trả 1,289 tỷ đồng cho năm làm việc 2021 (tương đương 107,4 triệu đồng/tháng), tăng rất nhẹ so với 1,234 tỷ đồng của năm 2020.

Tổng giám đốc Lê Như Linh nhận 1,29 tỷ đồng (107,5 triệu đồng/tháng), tăng nhẹ so với 1,21 tỷ đồng của năm 2020.

Trong Hội đồng quản trị, ngoài ông Kỳ, 4 lãnh đạo khác cũng nhận lương bạc tỷ. Đó là ông Phạm Xuân Trường (1,1 tỷ đồng), bà Vũ Thị Tố Nga (1,01 tỷ đồng), bà Nguyễn Hoàng Yến (1,02 tỷ đồng) và ông Nguyễn Hữu Quý (1,03 tỷ đồng).

Trong Ban Giám đốc, có tới 6 Phó Tổng giám đốc nhận lương bạc tỷ. Đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Duy Giang (1,09 tỷ đồng), ông Nguyễn Mạnh Tưởng (1,12 tỷ đồng), ông Phan Đại Thành (1,07 tỷ đồng), ông Nguyễn Minh Đạo (1,08 tỷ đồng) và Chu Quang Toản (1,02 tỷ đồng).

Trong Ban Kiểm soát, ông Vũ Quốc Hải nhận 1,12 tỷ đồng, bà Vũ Thị Ngọc Dung nhận 1,02 tỷ đồng.

 

Hà Anh
Nguồn
Link bài gốc