Kế hoạch lợi nhuận đi lùi

Đại hội đông cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lại dự kiến giảm 8% xuống 9.720 tỷ đồng.

Doanh thu xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng từ 5-10%. Giá nguyên liệu tăng cao 30-40%, kể cả đường trong nước sản xuất được cũng tăng 40% ảnh hưởng đến giá xuất khẩu và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Vinamilk cũng đã chốt giá sữa bột đến tháng 8.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk đánh giá ngành sữa Việt Nam chưa bão hòa do mức tiêu thụ bình quân còn thấp trong khu vực. Tăng trưởng ngành sữa của Việt Nam phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người; bình quân mỗi năm Việt có hơn 1 triệu trẻ em ra đời - đối tượng dùng sữa chủ yếu trong 1 năm đầu đời và quy mô dân số ngành càng tăng trưởng.

Trong giai đoạn 2022-2026, Vinamilk đề ra chiến lược dựa vào 4 trọng tâm chính gồm đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu sản phẩm mới, hướng tới phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nông nghiệp bền vững; khởi tạo cơ hội kinh doanh mới qua M&A, hợp tác hoặc đầu tư mạo hiểm; thiết lập môi trường làm việc và đạo tạo để nhân viên làm chủ cơ hội chuyển đổi mới.

Trước đó trong báo cáo thường niên 2021, Vinamilk đề ra mục tiêu đến năm 2026 kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch này, tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 sẽ tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Thực tế, lợi nhuận của Vinamilk đã chững lại trong khoảng 5 năm trở lại đây trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng dù tốc độ không cao. Năm 2021 vừa qua, Vinamilk ghi nhận doanh thu 60.919 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ và là năm đầu tiên vượt mốc 60.000 tỷ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm mạnh so với mức 46,4% của năm 2020 xuống còn 42,5% dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% so với năm trước xuống mức 10.633 tỷ đồng.

Tăng trưởng gặp khó nhưng "đại gia" ngành sữa vẫn duy trì đều đặn chính sách cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá cao. Theo đó, Vinamilk sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 38,5% trong đó đã tạm ứng 2 đợt vào tháng 9/2021 (15%) và tháng 1/2022 (14%). Cổ tức còn lại 9,5% (01 cổ phiếu nhận 9.500 đồng) dự kiến sẽ được chi trả vào ngày 19/8/2022 theo danh sách cổ đông chốt ngày 7/7 trước đó.

Đại hội tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2026 trong đó đa số các thành viên đều là người cũ duy chỉ có bà Lê Thị Băng Tâm sẽ rút khỏi Vinamilk. Thay vào đó, HĐQT giới thiệu ông Nguyễn Hạnh Phúc làm ứng viên độc lập.

Cổ phiếu trượt dài

Động lực tăng trưởng còn nhiều hạn chế, cổ phiếu VNM trên thị trường cũng liên tục trượt dài và hiện đang dừng ở vùng đáy 2 năm với 75.900 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường tương ứng 158.600 tỷ đồng, giảm gần 11% từ đầu năm và thấp hơn gần 32% so với đỉnh 3 năm lập được vào giữa tháng 1 năm ngoái.

Trong bối cảnh cổ phiếu miệt mài giảm, cổ đông Vinamilk tỏ ra sốt ruột và đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá hay không? Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên cho biết HĐQT không có ý định mua cổ phiếu quỹ. Thay vào đó, ban lãnh đạo tập trung vào hoạt động kinh doanh để tạo tăng trưởng, phát triển bền vững.

Về kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài, bà Lê Thị Băng Tâm chia sẻ “Cách đây mấy năm Vinamilk đã nghiên cứu và mong muốn như vậy nhưng hiện nay chưa có kế hoạch cụ thể. Trong tương lai, khi điều kiện thuận lợi thì đây cũng là hướng đi tốt cho Vinamilk”.

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng, mức định giá của VNm đã "mềm" hơn nhiều sau giai đoạn miệt mài giảm. Mức P/E forward của VNM về 14.x lần là mức tương đối hấp dẫn cho một doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu ngành sữa nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Tuy nhiên, CTCK này vẫn cho rằng các yếu tố ngắn hạn còn tương đối bất lợi đối với cổ phiếu VNM. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới do giá nguyên vật liệu nhiều khả năng sẽ vẫn bị neo ở mức cao bởi tình hình diễn biến phức tạp giữa Nga – Ukraina và hiệu ứng từ chuỗi cung ứng chưa được giải quyết.

KBSV dự phóng biên lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2022 của Vinamilk sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống mức 43,08% với giả định doanh nghiệp tiếp tục chốt nguyên liệu đầu vào cho 2 quý tiếp theo ngay trong quý 1/2022. Mức giá trung bình tại quý 1/2022 cao hơn 33,9% (SMP) và 17,6% (WMP) so với giá trung bình trong quý 3/2021 (đã chốt cho 2 quý liền kề) đồng thời đi kèm thông tin Vinamilk chia sẻ có 2 đợt tăng giá trung bình trong tháng 12/2021-1/2022 (3-4%).

Việt Hà 

 

 

 

Nguồn
Link bài gốc