Cách đây không lâu khi em có bài viết chia sẻ của một số chuyên gia về việc dự báo giá vàng sẽ lao dốc còn 36 triệu đồng/lượng, có nhiều ý kiến bình luận trái chiều vì hiện tại có lúc giá vàng lập đỉnh hơn 62 triệu đồng/lượng.
Mới đây, theo bài đăng trên báo Thanh Niên, so với nhiều kênh đầu tư khác, chẳng hạn như chứng khoán thì vàng có vẻ đang bị “thất sủng”. Kết thúc năm 2021, vàng SJC tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, đối với nhiều nhà đầu tư mức tăng này không như họ kỳ vọng.
Nếu so với chứng khoán thì mức tăng của vàng thua xa với những phiên phá vỡ kỷ lục trong năm qua, do đó một số người trẻ bắt đầu chuyển sang đầu tư chứng khoán. Chị Thu Trang, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, tính sơ sơ năm 2021, đầu tư vào các mã chứng khoán, đa số chị lời gấp đôi hoặc hơn, trong khi đầu tư vàng lại không được như vậy.
Dù chưa có dữ liệu chính thức thống kê có bao nhiêu người chuyển từ đầu tư vàng sang chứng khoán, nhưng so sánh lượng giao dịch giữa vàng và chứng khoán sẽ thấy giao dịch vàng giảm, còn chứng khoán tăng đột biến trong năm 2021. Không riêng gì chị Trang mà ngày càng có nhiều người đã không còn giữ được lòng chung thủy với vàng nữa khi đầu tư vàng gặp phải quá nhiều rủi ro, trong khi đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán có vẻ “ngon ăn” hơn.
Ban đầu em tưởng điều đó chỉ nằm trong suy nghĩ của nhiều người trẻ, mà nhiều người lớn tuổi cũng thế. Bà P.T.H., ở Hà Nội kể tháng trước bà từ chối món quà chồng tặng 5 chỉ vàng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới, mà chỉ đòi nhận tiền. Cả nhà ai nấy đều bất ngờ vì trước giờ làm gì bà cũng quy ra vàng, từ cho con gái của hồi môn đến phần thưởng cho đứa cháu khi thi hết học kỳ. Bà nói theo thời gian, không còn ai mua bán bằng vàng nữa, ngay cả nhận lương hưu mỗi tháng cũng được trả bằng tiền qua tài khoản ngân hàng.
Từ hồi dịch bệnh bùng phát đến giờ, con gái mở cho bà cái ví điện tử để bà có thể tự nhận lương hưu qua tài khoản rồi dùng tiền đó để thanh toán các khoản điện, nước, sinh hoạt… đỡ phải ra ngoài đóng tiền như hồi trước dễ bị lây nhiễm bệnh. Bà bảo giờ già rồi đi lại cũng khó khăn, chưa kể là dịch bệnh nên người già được yêu cầu phải hạn chế ra ngoài. Nếu mua vàng bây giờ thì khi cần tiền xài lại phải cất công đi bán, trong khi khu nhà bà ở chỉ vài tiệm vàng, đâu phải mình muốn bán nhiêu cũng được, họ nói giá nào mình bán giá đó mà bán vậy có khi lại lỗ.
Rồi như anh N.S ở Tân Bình, TP.HCM đến giờ vẫn chưa quên câu chuyện cách đây hơn 10 năm, khi đó anh vay 14 lượng vàng làm nhà. Khoảng 1 năm sau đến hạn trả nợ, giá vàng tăng gấp rưỡi khiến anh phải bấm bụng chịu lỗ mua vàng để trả nợ.
Thật ra có nhiều lý do khiến bà con giữ vàng hay mua vàng từ lỗ đến cảm giác mình bị “móc túi” vì sự rủi ro phi lý của nó.
Tại Việt Nam, có thể chia đầu tư vàng thành 3 loại gồm vàng SJC, vàng nhẫn, vàng tài khoản. Trong đó, vàng SJC luôn là loại được đông đảo người dân quan tâm nhất, bởi vốn dĩ nó là thương hiệu vàng miếng duy nhất do Ngân hàng nhà nước độc quyền sản xuất nhưng cả năm nay giá cả chênh lệch quá xa so với thế giới, hơn chục triệu đồng mỗi lượng, một mức chênh lệch không thể tưởng.
Nhiều người đầu tư vàng lâu dài ở thời kỳ trước chia sẻ, hồi đó chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới chỉ có khoảng 5 triệu đồng/lượng mà tỷ giá đô đã dậy sóng, còn bây giờ dù chênh lệch gấp 2 – 3 lần thì ngoại tệ vẫn cứ “sóng yên biển lặng”.
Đối với các nhà chức trách, điều này cho thấy công cuộc chống vàng hóa nền kinh tế của Nhà nước đã thành công và vàng không còn là công cụ thanh toán như ngày xưa nữa. Đã qua rồi cái thời mà người dân xếp hàng đi mua vàng nhưng có điều hơi buồn là thương hiệu vàng quốc gia ngày càng mai một.
Theo các nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, phải mua rẻ bán đắt thì mới có lời, còn mua đắt thì cầm thôi đã thấy lỗ chứ chưa nói tới chuyện bán lại. Đằng này, giá vàng SJC cao hơn so với thế giới 12 triệu đồng/lượng là quá rủi ro, chưa kể chỉ tính chênh lệch giá mua và bán vàng SJC trong nước thôi cũng đã thấy biên độ dao động quá lớn. Thông thường biên độ này do các công ty kinh doanh vàng tùy ý điều chỉnh để họ có lợi nhiều nhất có thể, cho nên đối với các nhà đầu tư ngay cả khi đón đúng hướng sóng thì đầu tư vàng SJC vẫn là kênh đầu tư mang lại quá nhiều rủi ro.
Ngay cả Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cũng thừa nhận người mua vàng miếng SJC hiện tại ít vì giá bất hợp lý, buôn vàng bây giờ cũng không có lời. Hồi khoảng tháng 3/2020, giá vàng trong nước khoảng 42,8 triệu đồng/lượng nhưng 5 tháng sau lên hơn 62 triệu đồng/lượng, tỷ lệ tăng hơn 44%. Giá vàng thời điểm đó được cho là cao nhất từ trước tới giờ nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty vàng này chỉ đạt 0,24%. Vừa đắt đỏ lại có quá nhiều rủi ro khi đầu tư chúng khiến vàng SJC chính thức bị nhiều nhà đầu tư gạch tên ra khỏi danh mục của mình.
Mặc dù vậy, đấy là nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư lâu năm, chúng ta khi muốn đầu tư vào kênh nào đó để làm giàu cho mình thì nên tìm hiểu từ gốc để nhận định đúng, không nên theo xu hướng đám đông để cuối cùng chỉ có mình là người chịu thiệt.