Cụ thể, hôm 18/1, Đội QLTT số 14 phối hợp với Phòng 7, Cục Cảnh sát môi trường C05 (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thuộc Công ty Cổ phần Âu Việt Phát tại địa chỉ L13 lô U13 Khu đô thị mới Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội do Bà Vũ Quỳnh Thu là chủ cơ sở.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 03 nhân viên của cơ sở đang sang chiết rượu từ can nhựa loại 20 lít vào chai đựng rượu hình con trâu chưa rõ dung tích, gắn nhãn dán tem vào nắp chai rượu và đống hộp hoàn thiện sản phẩm.
Tiếp tục tiến hành kiểm tra, Đoàn đã ghi nhận cơ sở có 433 chai rượu thành phẩm hình các con vật như chuột, trâu, nghé, con báo, chuột túi, cá. Toàn bộ số hàng trên có nhãn sản phẩm ghi bằng tiếng nước ngoài, không có công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Ngoài ra tại cơ sở, đoàn công tác cũng phát hiện 2.954 vỏ chai hình con chuột và hình con trâu, 960 chiếc nhãn hàng hóa có chữ nước ngoài, 1.260 chiếc tem hàng hóa dùng dán vào nắp chai rượu, 320 chiếc nắp chai, 5.200 chiếc màng co nilon cùng hàng chục chiếc vỏ can nhựa, bình nhựa, cốc, phễu, máy khò nóng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh xử lý theo quy định.
|
|
Tang vật bắt giữ tại kho hàng thuộc Công ty cổ phần Âu Việt Phát |
Tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh khác Công ty cổ phần Âu Việt Phát, có địa chỉ tại số 16 ngõ 76 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa – Hà Nội và 76 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa – Hà Nội, do bà Vũ Quỳnh Thu là giám đốc, Đoàn kiểm tra phát hiện những đại điểm này cũng đang bày bán 285 bình rượu hình các con vật cùng chủng loại với các sản phẩm đã bị thu giữ tại địa chỉ L13 lô U13 Khu đô thị mới Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông cùng 240 vỏ rượu thủy tinh hình trâu.
Ngoài ra, tại các cơ sở này, đoàn công tác còn phát hiện có 84 chai rượu, 312 lon bia, 323 hộp hoa quả sấy, 161 gói/hộp bánh kẹo và 224 sản phẩm mỹ phẩm là hàng do nước ngoài sản xuất.
Toàn bộ hàng hàng hóa trên đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Hiện, Đội QLTT số 14 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh xử lý theo quy định.
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) có chiều hướng gia tăng. Theo đó, trong tháng 10 và tháng 11/2020, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 2 vụ ngộ độc methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, 1 người tử vong và 1 người bị tổn thương mắt và não. Tất cả các trường hợp này được xác định có liên quan tới sản phẩm rượu mang tên “rượu nếp”, “hầm rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa, có địa chỉ ghi trên nhãn mác ở phố Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Được biết ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.
Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoải ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như: tổn thương não, gây sốc tụt huyết áp, suy thận, mất trí nhớ...
Trên thực tế, methanol không được phép có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol có sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp nhiễm methanol cao như vậy, nhiều khả năng uống phải rượu pha cồn công nghiệp giả mạo rượu quê. Khi đến ngưỡng 20 mg/dl là đã đe doạ tổn thương thần kinh.
Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều rất nặng nề. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng.
Bệnh nhân đều được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân không tử vong lại chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…
Về nguyên nhân xuất hiện nhiều ca ngộ độc methanol trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng đó là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được kiểm soát tốt. Cụ thể, thời gian gần đây, ở các quán nhậu vỉa hè xuất hiện loại “đặc sản” mang tên “rượu ngô bao tử” hay còn gọi là “ngô non”, hoặc “ngô vàng”, được “dân nhậu” ưa thích.
Còn trên các trang mạng, người buôn kẻ bán quảng cáo rầm rộ “Rượu ngô bao tử Bắc Hà” hay “Rượu ngô bao tử thơm ngon, nguyên chất 100% ủ bằng men lá, không đau đầu, không háo nước”. Các loại rượu ngô bao tử này đều là loại hàng hóa không tem nhãn, được đóng thành can 10 - 20 lít, bán với giá “siêu rẻ” - từ 20.000 đồng tới 28.000 đồng/lít.