Quy mô nhân sự giảm 43,4%, lương sếp tăng 58,4%

Tại ngày 31/3/2022, Hải Phát Invest có 10 công ty con. Và cũng tại thời điểm này, số lượng nhân viên của công ty chỉ là 99 người, tăng nhẹ so với cuối năm 2020 nhưng giảm tới 76 người, tương đương 43,4% so với năm 2018.

Như vậy, sau hơn 4 năm, quy mô nhân sự tại Hải Phát Invest không những không tăng mà còn giảm mạnh.

Trong khi đó, số lượng nhân sự của Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc lại tăng mạnh từ 11 người của năm 2018 lên 17 người vào năm 2020. Tới cuối năm 2021, có người 4 không được ghi nhận mức lương. Nghĩa là còn 13 lãnh đạo Hải Phát Invest được trả lương.

Mạnh tay sa thải nhân sự nhưng lại tăng cường lực lượng lãnh đạo. Vì vậy, quỹ lương cho dàn sếp này có xu hướng tăng mạnh sau 4 năm.

Trong năm 2021, thu nhập của thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng, tương đương 3,7% so với năm 2020.

Xét về con số bình quân, dàn sếp được mạnh tay tăng lương. Thu nhập bình quân của dàn sếp Hải Phát Invest trong năm 2021 và 2020 lần lượt là 1,08 tỷ đồng/người/năm (tương đương 90 triệu đồng/người/tháng) và 800 triệu đồng/người/năm (tương đương 66,7 triệu đồng/người/tháng).

Còn so với năm 2018, mức tăng còn lớn hơn nhiều. Tổng thù lao dành cho dàn lãnh đạo tăng 5,2 tỷ đồng, tương đương 58,4%.

Năm 2021, Tổng giám đốc Đoàn Hòa Thuận là người được trả thù lao nhiều nhất với số tiền lên đến 2,65 tỷ đồng. Đứng sau là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quý Hải với 2,485 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số lãnh đạo khác có thu nhập trên một tỷ đồng bao gồm hai Phó Tổng giám đốc và một thành viên Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Ủy ban chiến lược.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thù lao cho dàn lãnh đạo đã được điều chỉnh. Trong kỳ, tổng quỹ lương chỉ còn 3,4 tỷ đồng, giảm so với con số 4,9 tỷ đồng của quý 1/2021.

Trong đó, thu nhập của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quý Hải giảm sâu từ 1 tỷ đồng xuống 686 triệu đồng, thu nhập của Tổng giám đốc Đỗ Hòa Thuận giảm từ 788 triệu đồng chỉ còn 163 triệu đồng.

Vay ngân hàng trả lương

Hải Phát Invest đang trong tình trạng lợi nhuận giảm, âm nặng dòng tiền và phải tăng cường nợ vay. Một phần vay trong số đó được dùng để trả lương.

Cụ thể, trong quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của Hải Phát Invest giảm sốc từ 70,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 21,1 tỷ đồng.

2021 là năm nợ vay tại Hải Phát Invest tăng tốc. Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả tại Hải Phát Invest lên đến 6.052 tỷ đồng, tăng 2.294 tỷ đồng, tương đương 61% so với hồi cuối năm 2020. Một phần không nhỏ trong số này là trái phiếu.

Bước sang năm 2022, nợ vay tại Hải Phát Invest không những không chững lại mà còn đi lên. Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả công ty này tăng 691 tỷ đồng, tương đương 11,4% so với hồi cuối năm 2021 lên 6.743 tỷ đồng.

Trong nợ phải trả, nợ vay đạt tới 5.509 tỷ đồng, chiếm 81,7% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 2.345 tỷ đồng lên 2.766 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 2.347 tỷ đồng lên 2.743 tỷ đồng.

Khác với trước đây, nợ vay không chỉ để dành cho mua dự án, tạo vốn lưu động cho công ty mà lần này, một mục đích mới xuất hiện. Đó là vay để chi trả cho.... tiền lương.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, Hải Phát Invest có khoản vay trị giá hơn 8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – CN Sở Giao dịch 3. Đây là khoản vay ngắn hạn, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 7,15%/năm. Mục đích là thanh toán lương.

Đồng thời, Hải Phát Invest cũng ký hợp đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Đô Thành trong ngày 8/3/2022. Hạn mức cấp tín dụng 20 tỷ đồng. Thời hạn vay không quá 6 tháng, lãi suất 6,5%. Mục đích vay là thanh toán lương thưởng.

Nguồn
Link bài gốc