Tuy nhiên, sau 14 năm khu đất trên vẫn được quây tôn, cỏ mọc um tùm, chưa triển khai xây dựng, chưa bị thu hồi. Đáng nói, Chủ đầu tư nhiều lần thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, nhưng vẫn không đưa đất vào sử dụng.
|
|
Cận cảnh hơn 5.000m2 'đất vàng' bỏ hoang ở Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Vietnamfinance |
Được xem là khu đất vàng đắt giá của quận Cầu Giấy, tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng là "thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc".
Để trở thành chủ nhân của khu đất vàng đắt giá tại đường Trần Thái Tông, Vietcombank đã bỏ ra hơn 265 tỉ đồng. Thế nhưng, sau 14 năm lô đất này vẫn nằm bất động và không có thông tin gì liên quan đến dự án. Phía đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.
|
|
Đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.Ảnh: Môi trường & Đô thị. |
Trong thời gian suốt từ những năm 2012 đến 2018, UBND TP Hà Nội nhiều lần khẳng định lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai. UBND Tp. Hà Nội yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.
|
|
Khu vực quây tôn phía sau sân bóng tại khu đất vàng vẫn còn dòng chữ Vietcombak nay trở thành điểm tập kết rác thải bẩn thỉu, nhếch nhác. Ảnh: Tài chính doanh nghiệp. |
Mặc dù vậy, đến nay, khu "đất vàng" do Vietcombank đứng tên sở hữu vẫn chưa bị thu hồi dù cơ quan chức năng đã qua nhiều lần rà soát, thanh kiểm tra.
Ông Vũ Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy đã có chia sẻ trên báo Xây dựng về vấn đề trên: Dự án trụ sở Vietcombank đã điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng nhiều lần, hiện nay quận vẫn đang tiếp tục điều chỉnh theo văn bản của thành phố giao, dự kiến 1-2 tháng nữa xong thì chủ đầu tư có thể tiến hành xin Giấy phép xây dựng, thực hiện các bước tiếp theo.
Thông tin trên Báo Xây dựng cũng cho biết thêm sau nhiều lần điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng, dự án trụ sở Vietcombank nếu được chấp thuận sẽ có chiều cao thay đổi từ 15 tầng lên 34 tầng, 4 tầng hầm.
Khi được hỏi vì sao dự án này đã chậm đưa đất vào sử dụng 14 năm, nhưng vẫn không bị thu hồi? Trả lời câu hỏi này với Báo Xây dựng, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, dự án không dừng triển khai hẳn mà đã điều chỉnh rất nhiều lần, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản xin ý kiến cơ quan chức năng điều chỉnh, hiện vẫn đang tiếp tục điều chỉnh (tức là dự án thực tế chưa đầu tư xây dựng trên thực địa, nhưng vẫn liên tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, do vậy đủ điều kiện để không bị thu hồi – PV). Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vậy có phải trong 14 năm qua, các lần chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh có đáp ứng điều kiện để không bị thu hồi theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 không? Ông Kiên cho rằng, trong thời gian chủ đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh nhiều lần, nay chuẩn bị bước phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, sau đó triển khai cấp Giấy phép xây dựng.
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất, nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
|
|
Cỏ cây um tùm phía trong hàng rào quây tôn. Ảnh: Xây dựng. |
Trước đó vào tháng 10/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai, nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.
Theo Báo cáo số 20/BC-HĐND về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND Thành phố thực hiện Kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến tháng 5/2021 trên địa bàn Thành phố có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó có dự án của Vietcombank đã nằm “đắp chiếu” 14 năm nay?.
Mới đây, vào đầu tháng 2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở TN&MT cung cấp tài liệu, hồ sơ để điều tra vụ giao hơn 5.200m2 “đất vàng” không qua đấu giá cho Vietcombank xây trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành (TP Phan Thiết).
Cơ quan điều tra đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp các tài liệu, xác định căn cứ quy định pháp luật mà đơn vị này đã áp dụng để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 1151 ngày 27/4/2009 giao đất cho Vietcombank chi nhánh Bình Thuận với đơn giá 5.000.000 đồng/m2 thông qua đấu giá.
Đồng thời lập danh sách các cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, theo dõi, tham mưu giao 5.284m2 đất cho Vietcombank chi nhánh Bình Thuận (bao gồm họ tên, chức vụ, trách nhiệm, sơ yếu lý lịch). Những nội dung Công an Bình Thuận cần cung cấp phải được hoàn thành trước ngày 21/2.
|