|
|
Xe ô tô Peugeot 5008 liên quan đến thu hồi tài sản ngân hàng tại KĐT Time City. Ảnh:Kinh tế Đô thị |
Cụ thể, theo phản ánh trên Kinh tế Đô thị, anh L.H.L. trú tại KĐT Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ra ngân hàng để nộp 17,5 triệu đồng cho ngân hàng VIB. Đây là số tiền trả nợ góp định kỳ hàng tháng cho khoản vay thế chấp mua xe ô tô Peugeot 5008. Từ ngân hàng bước ra, không thấy xe đâu, anh L. tá hỏa tưởng bị mất trộm.
Khi anh L định báo công an và gọi ngân hàng báo mất xe thì nhận được tin nhắn của một cán bộ VIB chi nhánh Láng Hạ nhắn rằng xe của anh đã được bộ phận thu hồi nợ của ngân hàng thu giữ và cẩu xe đi mất.
Đáng nói, đây không chỉ là lần đầu tiên dư luận chứng kiến việc ngân hàng siết nợ mà không thông báo trước. Có nhiều trường hợp không chỉ riêng anh L mà nhiều người khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Một ngày đẹp trời tự nhiên thì bị ngân hàng tịch thu xe thế chấp.
Còn nhớ trường hợp của anh L.T.H. cũng từng lên tiếng khi bị phía ngân hàng thu giữ xe thế chấp. Chiếc xe của anh H. là bán tải Ford Ranger, hình thành từ khoản vay 632 triệu đồng của một ngân hàng lớn có chi nhánh tại Hà Nội. Trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, giữa anh và ngân hàng đã xảy ra bất đồng về mua bảo hiểm vật chất xe và kỳ hạn thanh toán.
Khi anh H. đến đậu xe tại chân tòa nhà Licogi 13, địa chỉ 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội rồi lên trụ sở ngân hàng làm việc, 30 phút sau đi xuống thì được biết ngân hàng đã cho người cẩu xe đi. Lập tức, anh H. đến công an phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân trình báo mất xe kèm theo một số tài sản, giấy tờ quan trọng vẫn nằm trong cabin.
Anh L. và H. là hai trong số rất nhiều chủ xe, đại diện cho bên nợ tiền bị ngân hàng thu hồi xe. Không ít trường hợp chủ xe đang điều khiển xe thì bị người của phía ngân hàng chặn lại và đưa phương tiện về bãi xe của ngân hàng. Chứng kiến sự việc nhiều người không khỏi thắc mắc, liệu đại diện ngân hàng có đủ thẩm quyền thay tòa án cưỡng chế phương tiện?
Ở một diễn biến khác, phía đại diện ngân hàng liên quan cho rằng họ hoàn toàn có quyền tiến hành thu hồi các khoản nợ xấu đúng quy định của pháp luật. Bởi khi vay tiền mua xe thì giấy tờ xe phải do bên ngân hàng giữ nên lúc này tài sản là xe đang thuộc quyền quản lý của ngân hàng. Chỉ khi nào bên vay hoàn thành nghĩa vụ trả xong tiền gốc và lãi, lúc đó quyền sở hữu mới thuộc bên chủ xe. Các xe bị thu hồi thường nằm trong danh sách nợ xấu, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như thỏa thuận giữa các bên.
Từ góc độ cá nhân, phân tích tình huống pháp lý xung quanh việc một số ngân hàng thu hồi tài sản bằng hình thức tổ chức người chặn đường để đưa xe đi nơi khác, mặc chủ xe phản đối, mình thấy việc xử lý nợ xấu kiểu như này hơi không được "lòng mọi người". Có vẻ như một số ngân hàng cứng nhắc khi tổ chức người chặn đường, thu hồi xe ô tô chỗ đông người gây nhiều ý kiến trái chiều, trái với thuần phong mỹ tục và bản tính tốt đẹp của người Việt ta.Còn nếu, lỗi thuộc về các chủ phương tiện cố tình thay đổi chỗ ở dẫn đến việc ngân hàng không gửi được thông báo thu hồi tài sản đúng địa chỉ... thì thiết nghĩ, trước khi vay tiền, bên vay và ngân hàng cần có thỏa thuận rõ về hình thức giải quyết theo phương thức để phía ngân hàng thu hồi tài sản nợ xấu hay đưa ra tòa phân định; tránh những tranh chấp không đáng có như thế này vừa mất hình ảnh của Ngân hàng, vừa khiến bên vay chịu nhiều bức xúc.