Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn tăng 2,97% so với cuối năm ngoái, tín dụng của nền kinh tế tăng 4,97%.
Trước sự bùng nổ của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài khiến nguồn tiền gửi từ người dân cũng giảm mạnh.
Hiện tại các ngân hàng đang cần vốn để cho vay, trong khi lượng tiền gửi vào ngân hàng không còn dồi dào như trước. Nhằm kích thích người dân gửi tiền, hiện tại, lãi suất huy động tiền tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng nhẹ.
Cụ thể, tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động cao nhất được công bố là 8,2%/năm tại OCB khi gửi tiền giá trị trên 500 tỷ đồng. Con số này khá cao so với mức 6,8%/năm của biểu lãi suất cao nhất được công bố hồi cuối tháng 5 - đầu tháng 6 vừa qua.
ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,4%. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
|
|
Lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng (hình minh họa) |
Tại kỳ hạn 12 tháng, nếu như trước đây, SCB có biểu lãi suất 12 tháng cao nhất là 6,8%/năm thì hiện tại OCB lại đứng đầu với lãi suất 8,1%/năm, kèm theo điều kiện tiền giá trị trên 500 tỷ đồng. Với các khoản tiền dưới 500 tỷ đồng, ngân hàng này sẽ trả lãi suất 6-6,1% cho kỳ hạn 12 hoặc 15 tháng.
Trong khi đó, kỳ hạn 12 tháng nhưng không đi kèm điều kiện về khoản tiền gửi phổ biến là 5,12-6,8%/năm, SCB vẫn đang dẫn đầu với 6,8%, CBBank và Kienlongbank duy trì mức 6,55% và 6,5%/năm. Techcombank có lãi suất tiền gửi cuối kỳ cao nhất cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,5 - 4,9%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam, Vietcombank là 5,5%/năm - thấp nhất trong số các ngân hàng quốc doanh.
Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động thấp nhất là Vietcombank 3,9%, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt là 4%. Trong khi đó CBBank là ngân hàng có biểu suất cao nhất, lên đến 6,35%.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động dao động 3,8 - 6,25%/năm. Đứng đầu bảng là CBBank 6,25%, NCB 6,05%, NamABank và VietABank (6%/năm), VietCapitalBank và MB (5,9%/năm).
Ở kỳ hạn 3 tháng, đang huy động tiền với lãi suất thấp nhất là Techcombank 3,1%, Vietcombank 3,2%, HDBank 3,3%. Dẫn đầu là VietBank, GPBank đều huy động ở mức 4%/năm.
GPBank cũng đang dẫn đầu ở kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 4%, tiếp theo là SCB và NamABank 3,95%, VietBank, PVCombank, PGBank đang là 3,9%. Thấp nhất ở kỳ hạn này là Techcombank và Vietcombank 2,9%.
Chia sẻ về việc lãi suất tiền gửi tăng, Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi; áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.