Về cái vụ phá sản, không phải tôi cầm cổ ITA mà “bênh” Tân Tạo đâu nhưng rõ ràng tôi thấy có gì đó sai sai. 

Năm 2018, TAND TP HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Công ty Tân Tạo) vì có đủ căn cứ chứng minh mất khả năng thanh toán theo quy định Luật Phá sản 2014. 

Tuy nhiên, đến nay, hơn 4 năm trôi qua, Công ty Tân Tạo không công bố quyết định mở thủ tục phá sản. Quản tài viên vẫn thực hiện gửi “báo cáo giải quyết phá sản Công ty Tân Tạo” đến TAND TP HCM, với số nợ hơn 21,4 tỷ đồng của một số chủ nợ.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng có văn bản nhắc nhở Công ty Tân Tạo công bố công khai thông tin mở thủ tục phá sản.

Sau đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Tạo đã có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Nhà nước.

Phía Tân Tạo cho hay, doanh nghiệp này đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT ngày 5/1/2021 của TAND tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại TAND Cấp cao tại TPHCM vì cho rằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên có nhiều sai phạm.

Theo quan điểm của tôi, con số hơn 21 tỷ đồng không thấm vào đâu so với vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng của Tân Tạo nên tôi không “vote” cho việc phá sản.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa dòng tiền của Tân Tạo ổn. Ngược lại, tôi thấy nó rất có vấn đề. Tôi muốn chia sẻ quan điểm với những ai muốn mua nhà ở Khu đô thị E.City Tân Đức. Trước khi mua nhà ở đó, các cụ nên quan tâm tới khả năng lực chủ đầu tư, mà cụ thể ở đây là dòng tiền. 

Tôi xin note ra vài vấn đề về tình hình tài chính của Tân Tạo mà tôi tìm ra.

Vốn 11.000 tỷ, tiền mặt chỉ 20 tỷ

Chiều 1/8, Tân Tạo công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với thông tin nức lòng cổ đông. Đó là lợi nhuận tăng rất mạnh. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ vọt lên 118 tỷ đồng, tăng 99,8 tỷ đồng, tương đương 548% so với quý 2/2021; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 134 tỷ đồng, tăng 58,2 tỷ đồng, tương đương 76,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có được nhờ doanh thu quý 2 bứt phá, tăng từ 145 tỷ đồng lên 317 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhưng Tập đoàn Tân Tạo lại chứng kiến tiền mặt “bốc hơi” rất mạnh. Tại ngày 30/6/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Tập đoàn chỉ còn 20,2 tỷ đồng, giảm 211,8 tỷ đồng, tương đương 91,3% so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, Tân Tạo chỉ còn 20 tỷ đồng tiền mặt dù vốn chủ sở hữu lên đến 11.162 tỷ đồng.

Âm nặng dòng tiền

Doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh không mang lại dòng tiền “khoẻ mạnh” cho Tân Tạo. Tân Tạo đã rơi vào cảnh âm nặng dòng tiền.
Hồi cuối quý 2/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sử dụng vào hoạt động tài chính là âm 111 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.114 tỷ đồng.

Bị chiếm dụng vốn

Vốn hơn 11.000 tỷ đồng nhưng số tiền mà công ty bị chiếm dụng lại khá lớn. Nói cách khác, rất nhiều tiền của Tân Tạo đã nằm ngoài công ty.
Cụ thể, tại ngày 30/6/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của Tân Tạo lên đến 3.946 tỷ đồng, tăng 2.005 tỷ đồng, tương ứng 103% so với hồi đầu năm. 

Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận 1.937 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn, 1.682 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính dài hạn. 
Như vậy, tổng số tiền nằm ngoài công ty đạt 7.565 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng tài sản công ty.

Đầu tư kém hiệu quả

Hồi cuối tháng 6/2022, Tân Tạo có 1.682 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính dài hạn, giảm sâu so với con số 3.342 tỷ đồng hồi đầu năm. Thế nhưng, đáng chú ý, Tân Tạo thoái vốn ra khỏi các công ty chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (có thể chưa thua lỗ hoặc nếu có thì thua lỗ chưa quá nặng).

Vì vậy, cả hồi đầu năm 2022 và tại thời điểm 30/6/2022, Tân Tạo vẫn duy trì 128 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính dài hạn. 

Hà Anh 

 
Nguồn
Link bài gốc