Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, tại thời điểm 31/3, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động có hơn 15.000 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Trong đó, các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ có kỳ hạn 6 đến 1 năm chiếm gần 11.700 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 5% đến 8,65%/năm. Riêng trong quý đầu năm, MWG đã thu về 211 tỷ đồng tiền lãi từ khoản mục này.

Không chỉ sở hữu lượng tiền mặt lớn, Thế Giới Di Động (MWG) vẫn “dư dả” cho vay các công ty chứng khoán hơn 900 tỷ đồng. Cụ thể báo cáo tài chính hợp nhất  cho thấy, MWG tiếp tục duy trì khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với giá trị gần 940 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, Chứng khoán HSC (mã HCM) vay 765 tỷ đồng và Chứng khoán VPS vay 158 tỷ đồng, còn lại là CTCP Đầu tư Đông Sài Gòn. Đây đều là các khoản cho vay với kỳ hạn ngắn từ 3 đến 6 tháng với lãi suất từ 6,4% đến 7% mỗi năm.

HSC và VPS đều nằm trong top 5 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Thậm chí, VPS còn dẫn đầu về môi giới cổ phiếu trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM trong khi HSC chỉ xếp thứ 5 trên sàn HoSE với thị phần môi giới 5,4%.

Mặt khác, MWG cũng đang vay nợ gần 24.500 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn) gấp đôi so với số dư khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Trong đó, các chủ nợ lớn nhất của MWG bao gồm ngân hàng BNP Paribas, VietinBank, Sumitomo Mitsui, Vietcombank,....

Tuy nhiên, chi phí lãi vay doanh nghiệp bán lẻ phải chi trả trong quý đầu năm chỉ vào khoảng 200 tỷ đồng, thấp hơn số tiền lãi thu về từ cho vay. Do đó, nhiều khả năng MWG được các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất rất thấp.

Tương tự Thế giới Di động, mặc dù nắm lượng tiền mặt lên đến gần 2 tỷ USD nhưng Hòa Phát vẫn là ông lớn về vay nợ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG), tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 185.847 tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm.

Trong đó, tài sản cố định của HPG ghi nhận đạt 70.214,5 tỉ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản; số dư hàng tồn kho là 40.036,2 tỉ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản, giảm 5% so với đầu năm.

Đáng chú ý, lượng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi ngân hàng của HPG đạt tới 46.824,3 tỉ đồng (tương đương hơn 2 tỉ USD), chiếm 25% tổng tài sản.

Cụ thể, tại cuối quý 1/2022, HPG ghi nhận 19.060 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 15% so với đầu năm. Doanh nghiệp này còn có 27.249,3 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn và 515 tỉ đồng tiền gửi dài hạn tại ngân hàng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, HPG ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 768,9 tỉ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do không ghi nhận lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư.

Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay của HPG đạt 416,5 tỉ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi chênh lệch tỉ giá đã thực hiện là 352 tỉ đồng, tăng 136% so với quý 1/2021.

Hiện tại, vốn điều lệ của công ty này là 44.729 tỷ, tuy nhiên, nhà sản xuất thép này có phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý I/2022 lên tới gần 50.000 tỷ đồng.

Mặc dù, kết quả kinh doanh rất tốt nhưng do việc liên tục mở rộng quy mô hoạt động, nợ vay của HPG cũng tăng đều qua các năm.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, tập đoàn Hòa Phát có tổng tài sản khoảng 178.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ, tương ứng gần 4 tỷ USD.

Trong 87.400 tỷ đồng nợ phải trả, Hòa Phát có khoảng 57.200 tỷ đồng nợ vay, tăng 6% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 43.747 tỷ đồng, tương đương tăng 19% so với đầu năm và nợ vay dài hạn ghi nhận gần 13.465 tỷ đồng, giảm 22%. Việc tăng cường vay ngắn hạn thay cho vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát.

Dù vậy, mức vay nợ tăng cao khiến “ông lớn” ngành thép phải trả mức lãi khá lớn. Trong năm 2021, HPG phải trả gần 2.526 tỷ đồng lãi vay (gần 7 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 15% so với cùng kỳ. Ngoài chi phí lãi vay, chi phí tài chính tại Hòa Phát cũng tăng 32% so với đầu năm, từ 2.837 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 3.731 tỷ đồng.

Ông lớn ngành sữa Vinamilk cũng tương tự. Mặc dù có nguồn tiền dự trữ lớn, Vinamilk vẫn tăng vay nợ ngắn hạn.Số dư tiền thuần trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 31/03/2022 là 10,500 tỷ đồng, chiếm 19.8% tổng tài sản.

Tổng nợ phải trả tại ngày 31/03/2022 của Vinamilk là 17 482 tỷ đồng. Trong số này, dư nợ vay ngắn hạn tăng mạnh hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 9.382 tỷ đồng.

Hồng Lê/vietnambusinessinsider
Nguồn
Link bài gốc