Đồng thời các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn được ấn định 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử giữa các ngân hàng là 6%/năm.

leftcenterrightdel
 

Lãi suất tiền gửi từ sáu tháng trở lên thuộc quyền quyết định của các ngân hàng, không có trần và cũng không có sàn. Cho đến hôm qua, lãi suất cao nhất tiền gửi 12 tháng trên thị trường là 7,5%/năm. Một số ngân hàng từ hôm nay sẽ áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới. Đại diện một ngân hàng cho tôi biết sẽ nâng lãi suất tiền gửi 12 tháng lên 8,5%/năm. Ba ngân hàng khác khẳng định mức 8% cho kỳ hạn trên.

Việc nâng lãi suất lần này không gây ra nhiều ngạc nhiên. Người gửi tiền đã có tâm lý sẵn sàng với việc lãi suất tăng khi giá cả các loại hàng hoá đều cao hơn năm ngoái.

Hơn nữa từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã nỗ lực điều hành chính sách tỷ giá theo hướng "ổn định nhưng không cố định". Tỷ giá hối đoái tiền đồng/USD Mỹ được điều chỉnh theo hướng tiền đồng đã mất giá khoảng 3,5% so với đồng bạc xanh. Đây là mức mất giá của đồng nội tệ thuộc hàng thấp trên thế giới nếu so sánh với sự trượt giá hàng chục phần trăm của những ngoại tệ mạnh như euro, yen, bảng Anh và tầm 6%-8% của các đồng tiền khu vực Đông Nam Á. Thậm chí quốc gia có dự trữ ngoại tệ hàng nghìn tỷ USD như Trung Quốc cũng buộc phải để đồng nhân dân tệ mất giá hơn 10% so với USD từ đầu năm đến nay.

Việc mất giá của tiền đồng đối với USD, rõ ràng, ảnh hưởng tới người gửi tiền. Không ít người đã đắn đo giữa giữ tiền đồng hay ngoại tệ. Lãi suất tăng là một dấu cộng để việc chọn lựa giữ tiền đồng được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 25 năm theo dõi lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tôi cho rằng mức điều chỉnh 1% chưa đủ nặng để tạo sức mạnh đáng phải có cho tiền đồng. Tôi hiểu cơ quan quản lý không thể điều chỉnh lãi suất ngay chỉ một lần. Việc điều chỉnh các lần còn phải được cân nhắc, xem xét, nghiên cứu bối cảnh trong nước cũng như quốc tế và tạo điều kiện cho thị trường hấp thụ dần dần.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng đã dự đoán việc tăng lãi suất từ quý hai năm nay và ít nhiều có sự chuẩn bị. Vấn đề đối với họ chỉ là thời điểm nào. Do đó tăng lãi suất lần này giống như cởi bỏ tâm lý, điều gì cần đến đã đến.

Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng. Trước đây một số ngân hàng còn room tín dụng cũng ngại cho vay vì e vừa cho vay xong, lãi suất tăng, biên lợi nhuận giảm. Nay lãi suất được "cởi trói", ngân hàng sẽ dễ cho vay hơn với lãi suất cao hơn "đường đường chính chính" mà không lo khách hàng phàn nàn.

Người đi vay chắc chắn không dễ chịu bởi chi phí sản xuất bị đẩy lên, nhưng ít nhất họ vay được và dòng tiền luân chuyển sẽ nhanh hơn. Tiền được quay vòng nhanh, chảy vào đúng nơi cần sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm bớt các hiện tượng ứ đọng như chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp vốn đang rất phổ biến.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở lớn. Hơn bốn mươi ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất ít nhất hai, ba lần từ đầu năm với mức tăng tổng cộng 2%-3%. Sau các đợt tăng lãi suất dứt khoát với mức 0,75%/năm/đợt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, mặt bằng lãi suất toàn cầu đã ở tầm mới. Cả thế giới đang vào cuộc chống lạm phát. Việt Nam kiềm chế lạm phát tốt từ đầu năm đến nay, song áp lực lạm phát đang tăng lên. Nếu không chủ động ngăn chặn và hoá giải áp lực lạm phát ngay lúc này, trước sau lạm phát bên ngoài cũng sẽ lan tới Việt Nam.

Giới doanh nghiệp, những người vay vốn chấp nhận lãi suất mới kỳ vọng gì? Đó là tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia phát triển đã chấp nhận "hy sinh" tăng trưởng để "giải cứu" lạm phát, trong khi Việt Nam vừa chống lạm phát vừa duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao. Có tăng trưởng, có sức mua, hàng hoá vẫn tiêu thụ được, dòng tiền vẫn về là điều doanh nghiệp cần.

Bây giờ là thời điểm "lửa thử vàng" để doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tiết giảm chi phí trên mọi phương diện và cạnh tranh để giữ thị phần.

Nguồn: Nhà báo Hải Lý

Nguồn
Link bài gốc