Cuộc gọi dụ nâng cấp sim 5G 

Nghĩ tin nhắn và cuộc gọi của tổng đài điện thoại, Hồng Anh không chút nghi ngờ. Cô làm theo hướng dẫn của “tổng đài viên” để được nâng cấp sim “không mất phí”.

“Họ bảo tôi soạn một tin nhắn, cú pháp “DS 8401200212125371” gửi 901. Tôi thấy cũng không có gì lạ nên làm theo hướng dẫn nhưng vừa gửi tin nhắn đó xong thì sim bị mất sóng. Tôi giật mình nghĩ đã bị lừa”, Hồng Anh hoang mang.

Nghi ngờ tài khoản ngân hàng có vấn đề, cô lập tức đi rút tiền song phát hiện tài khoản đã bị rút sạch, không còn một đồng.

“Không chỉ tài khoản ngân hàng mà tất cả các thẻ của tôi đều bị trừ tiền, từ ví điện tử Momo, thẻ tín dụng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể bị lừa dễ dàng như vậy. Bao nhiêu tháng đi học, đi làm, mất bao nhiêu công sức mới kiếm được một số tiết kiệm ít ỏi, không ngờ bị hack mất sạch”, cô gái ở TP HCM bức xúc.

 Tài khoản ngân hàng, ví điện tử của hai cô gái bất ngờ bị rút sạch tiền vì gửi 1 tin nhắn - Ảnh 1.

Các tài khoản của nạn nhân bị rút sạch tiền sau khi gửi một tin nhắn

Sau khi bị hack hết tiền trong các tài khoản, Hồng Anh bắt đầu lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Cô không hiểu vì sao tài khoản ngân hàng và số điện thoại đều bị lộ. Hồng Anh sau đó đăng cảnh báo trên mạng xã hội để mọi người cảnh giác và dự sẽ ra trình báo công an.

Cùng bị lừa bằng thủ đoạn trên, Thạch Thảo (24 tuổi, ở Hà Nội) bị rút hết sạch tiền trong thẻ tín dụng. Trước đó, Thảo nhận được một cuộc gọi của “tổng đài viên” và tin nhắn “được cộng 50.000 đồng từ số 9221”. Số này thường thông báo tiền cước điện thoại hàng tháng nên Thảo tin là thật.

Thấy phía tổng đài đọc đúng số chứng minh thư, Thảo càng tin tưởng, để họ hướng dẫn thực hiện các thao tác để đổi sim từ 4G lên 5G.

“Họ hướng dẫn gửi tin nhắn theo cú pháp đến số 901 và nói chờ 2-3 phút sẽ đổi sim thành công. Tôi cũng cẩn thận tra thông tin về số 901, thấy uy tín nên làm theo. Lúc ấn gửi tin nhắn, điện thoại lập tức bị mất tín hiệu. Tôi vẫn cả tin, ngồi chờ một lúc nhưng không thấy gì”, Thảo kể.

Khi phát hiện bất thường, Thảo gọi cho số tổng đài thì biết mình đã bị lừa. Kiểm tra tài khoản ngân hàng, ví điện tử và các tài khoản mua sắm, cô phát hiện chỉ còn vài nghìn lẻ.

"Trong các tài khoản tôi có hơn 5 triệu. Đó là số tiền tôi vất vả kiếm được để chi tiêu cả tháng. Không ngờ bị hack dễ dàng đến vậy. Nếu trong tài khoản có nhiều tiền thì tôi sẽ phát hoảng mất", Thảo nói.

 Tài khoản ngân hàng, ví điện tử của hai cô gái bất ngờ bị rút sạch tiền vì gửi 1 tin nhắn - Ảnh 2.

Sau khi gửi tin nhắn theo cú pháp được hướng dẫn, sim điện thoại lập tức mất sóng.

Liên hệ tổng đài Mobifone sáng 21/3, nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết chương trình đổi sim từ 4G lên 5G qua tin nhắn đã bị dừng từ ngày 17/3. Việc khách hàng nhận được cuộc gọi từ số thuê bao thông thường, yêu cầu nhắn tin theo cú pháp để nâng cấp sim là có khả năng cao bị lừa.

“Hiện có nhiều đối tượng lừa đảo giả danh tổng đài, yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để được đổi sim. Khách hàng tuyệt đối không được làm theo, nhất là cung cấp thông tin cá nhân, đăng nhập vào các đường link hoặc chuyển khoản. Bởi kẻ xấu có thể sử dụng sim này để rút tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc đi vay nợ ở khắp nơi.

Trường hợp bị hack sim, nạn nhân cần khóa sim lại nếu không các đối tượng có thể dùng để làm nhiều việc xấu khác, có thể thiệt hại đến tài chính hoặc ảnh hưởng uy tín cá nhân. Nạn nhân sau đó nên đến cửa hàng của nhà mạng để làm lại sim”, tư vấn viên tổng đài cho biết.

Tin nhắn “hiểm hóc”, trao quyền kiểm soát sim điện thoại cho người lạ

Công an TP Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này, sáng 19/3. Theo đó, kẻ xấu thường giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố hoặc nâng cấp sim 4G lên 5G.

Sau đó, chúng yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp đưa ra, thực chất đây là thao tác chuyển hướng cuộc gọi để chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại của khách hàng, từ đó chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví của chủ sim.

 Tài khoản ngân hàng, ví điện tử của hai cô gái bất ngờ bị rút sạch tiền vì gửi 1 tin nhắn - Ảnh 3.

Công an TP Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo từ các cuộc gọi giả danh.

Phân tích rõ chiêu thức lừa đảo, Công an TP Hà Nội cho biết, kẻ xấu có thể yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS).

Sau đó, chúng sẽ nhắn tin lừa đảo sẽ giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành sim 4G, 5G. Các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên. Khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên sẽ mất quyền kiểm soát sim điện thoại.

Lúc này, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp tới số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Chúng có thể đăng nhập tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách chọn tính năng “Quên mật khẩu”. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt. Như vậy, kẻ lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.

Cách khác, kẻ xấu sẽ yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) - dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.

Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví.

Nghiêm trọng hơn, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền qua các app (ứng dụng) cho vay trên mạng, khiến nạn nhân bị nợ khoản tiền lớn.

*Tên nạn nhân đã thay đổi

Nguồn
Link bài gốc