Cùng với nhu cầu di chuyển của người dân ngày một tăng cao, những ứng dụng công nghệ đặt xe ngày càng nở rộ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Trong rất nhiều ứng dụng mọc lên như nấm ở thời điểm hiện tại như Be, Gojek... thì GrabCar có thể coi là "người tiên phong" và chiếm thị phần lớn trong thị trường màu mỡ này.
Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, GrabCar đã nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực từ phía người tiêu dùng.
Cước xe tăng cao, "đỏ mắt" tìm tài xế
Tháng 3/2022, Grab phát đi thông báo về việc sẽ thực hiện điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/03. Grab cho biết việc điều chỉnh giá cước này "sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn".
Theo đó, giá GrabCar thông báo tăng từ 20.000 VNĐ lên 29.000 VNĐ/2km đầu tiên. Và ở các kilomet tiếp theo tăng từ 9.000 VNĐ lên 10.000 VNĐ.
|
|
Thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ của Grab |
|
|
Giá GrabCar tăng cao vào giờ cao điểm |
Chính việc giá tăng nhanh và tăng cao vào giờ cao điểm đã khiến nhiều khách hàng trong thời gian qua khá bức xúc.
Chị Lê Thanh Mỹ (Ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), một "khách ruột" của GrabCar cho hay: "Là người có con nhỏ, tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabCar để di chuyển và có thể thấy rõ ràng trong thời gian qua, Grab đã tăng giá khá nhanh và cao. Với cùng quãng đường nhưng trong thời gian vừa qua đã tăng lên vài chục ngàn."
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Ngụ Quận Gò Vấp) cũng kể về trải nghiệm của bản thân khi sử dụng ứng dụng đặt xe này. Chị đã khá ngạc nhiên khi giá xe GrabCar gần đây đã tăng đến gấp 2 - 3 lần so với thời gian trước:
"Từ nhà mình ở Gò Vấp đến bệnh viện ở Phú Nhuận rơi vào khoảng từ 54.000 - 55.000 VNĐ chưa tính khuyến mãi. Nếu có khuyến mãi chỉ từ 35.000 - 36.000 VNĐ thôi.
Nhưng trong thời gian gần đây mình cũng tiếp tục đến bệnh viện đó tiêm ngừa cho con thì giá đã lên tới khoảng tầm 88.000 VNĐ và thậm chí là 101.000 - 102.000 VNĐ cho những khung giờ từ 9 - 10h sáng, tăng gấp 2 -3 lần so với ngày trước. Điều này làm bản thân mình cảm thấy rất sốc. Nhiều khi ngang bằng giá với taxi truyền thống chứ không còn là ứng dụng công nghệ nữa."
|
|
Chị Lê Thanh Mỹ chia sẻ về việc rất khó để đặt xe công nghệ Grab trong thời gian gần đây |
Là một người dùng Grab đã nhiều năm, chị H chia sẻ về một lần quên ví trên xe Grab nhưng đã rất mất công và thời gian mới có thể lấy lại được. "Cũng chỉ vì gọi qua cuộc gọi miễn phí của ứng dụng mà mình đã không thể liên hệ trực tiếp với tài xế mà phải gọi lên tổng đài, chờ tổng đài xác nhận lại với tài xế mới có thể liên hệ. Và thời gian chờ đợi khá lâu, phải mất gần 1 ngày mình mới có thể nhận lại ví."
|
|
Sau khi cuộc gọi quá lag, chỉ gọi được 4 giây đã phải chuyển qua gọi điện thoại thường |
Cuộc gọi này cũng bị nhiều người dùng phản ánh với các lỗi như không đổ chuông, giật lag, tín hiệu kém… khiến khách hàng và bác tài chán nản hủy luôn chuyến.
Giá cước của GrabCar cao gấp 3 lần ứng dụng tương tự
Không chỉ tăng giá nhanh so với trước kia, khi đặt lên "bàn cân" cùng các dịch vụ xe truyền thống cũng như ứng dụng đặt xe tương tự, giá của GrabCar vẫn nhỉnh hơn không ít.
|
|
Giá cước GrabCar cao hơn nhiều taxi truyền thống và cao hơn các ứng dụng đặt xe công nghệ khác |
Cụ thể, so sánh với với giá cước đặt xe của hãng Vinasun vào ngày thường, Vinasun có mức giá là 191.000 VNĐ cho xe 4 chỗ và 219.000 VNĐ cho xe 7 chỗ. Vậy vị chi giá xe 7 chỗ cho ngày thường của GrabCar cao hơn Vinasun.
So với Mai Linh, ngày thường giá GrabCar vẫn cao hơn cho xe 7 chỗ, mặc dù số tiền chênh lệch không lớn.
So sánh với ứng dụng công nghệ tương tự là Gojek trên cùng đoạn đường có giá là 70.000 VNĐ cho 4 chỗ và 86.000 VNĐ cho 7 chỗ. Nhưng Gojek lại có mức giá tương ứng là 30.000 VNĐ cho 4 chỗ và 40.000 VNĐ cho 7 chỗ. Thấp hơn gần 50%.
Vào giờ cao điểm, các ứng dụng taxi truyền thống vẫn giữ ở mức giá ổn định thì GrabCar lại tăng lên giá không hề ít. Theo hiển thị trên ứng dụng, giá GrabCar 4 chỗ là 204.000 VNĐ, 7 chỗ là 244.000 VNĐ. Trong khi đó Vinasun vẫn giữ ở mức 191.000 - 219.000 VNĐ. So với ứng dụng công nghệ tương tự là Gojek trên cùng đoạn đường, ứng dụng Gojek có mức giá là 115.000 VNĐ - 138.000 VNĐ cho lần lượt là xe 4 chỗ và xe 7 chỗ. Như vậy, vẫn thấp hơn gần như một nửa so với Grab.
Ngày 5/6 vừa qua, chị L. (38 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho biết chị đặt xe từ Khâm Thiêm đến Trần Hữu Tước, đoạn đường không quá dài nên cuớc phí BeCar chỉ 35.000 đồng, trong khi đó GrabCar lại hiển thị giá lên đến 105.000 đồng.
"Tình trạng này diễn ra thường xuyên, giá cuớc quá cao, ứng dụng gọi điện qua app thì liên tục xảy ra lỗi, nhiều lúc đặt được xe xong, chờ một lúc lâu thì tài xế lại hủy, gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi", chị L. nói.
Hỏi về vấn đề giá cước tăng cao, các bác tài Grab cho hay, so với trước đây, giá Grab đúng là đã tăng lên.
"Mình làm từ 2019, lúc đó 1km chưa được 10.000 VNĐ. Bây giờ kilomet đầu tiên được mười mấy ngàn." - Một bác tài đã gắn bó khá lâu với ứng dụng này cho hay.
Tuy nhiên, các tài xế cũng đồng ý về việc vào giờ cao điểm, giá GrabCar lại tăng lên gấp 2 lần, có khi hơn. Điều này đôi khi cũng mang đến một số rắc rối khi khách hàng phàn nàn và bực bội vì giá chênh lệch giữa hai thời điểm quá lớn.
"Grab cứ canh giờ là tăng giá. Hnãng cứ nghĩ tăng giá thì tài xế lấy lại được nhưng lúc tăng giá lại tắc đường. Cứ mưa, Chủ nhật, giờ cao điểm là tăng giá thôi.
Có lần tăng gấp đôi. Bình thường là 100.000 VNĐ nhưng cứ giờ cao điểm là 200.000 VNĐ. Ví dụ lúc đi 100.000 VNĐ mà về 200.000 thì có tức không. Chỉ tăng lên 120.000 - 130.000 còn đỡ. Giá như ngày thường thì tội cho tài xế, nhưng tăng lên nhiều thì khách bực rồi chửi bới." - Tài xế cho rằng chỉ nên tăng một chút so với giá thường để không khiến khách hàng mang tâm lý khó chịu và bực bội.
Chúng tôi đã liên hệ với đại diện truyền thông Grab về những bức xúc của hành khách thời gian qua, tuy nhiên hãng vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức về vấn đề này.