Từ đầu tháng 1, thông tin về việc LG Electronics muốn rút khỏi mảng kinh doanh smartphone đã được đăng tải trên nhiều báo Hàn Quốc cùng danh sách những công ty có thể mua lại. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa LG với Vingroup của Việt Nam và Volkswagen AG của Đức được coi là 2 đối tác tiềm năng nhất đã không thành công, do đó tình huống LG chẳng thể tìm được đối tác nào mua mảng này của mình là hoàn toàn có thể xảy ra, và theo đó LG có thể sẽ đóng cửa toàn bộ mảng smartphone. Thông tin này sẽ được công khai trong tháng 4.
Những dấu hiệu về việc này càng rõ ràng hơn khi LG cho thấy họ sẽ ngừng phát triển các mẫu điện thoại chưa bán ra thị trường như chiếc smartphone màn hình cuộn được hãng giới thiệu tại CES 2021. Trước đó, LG có kế hoạch ra mắt thêm vài smartphone trong nửa đầu năm 2021, nhưng kế hoạch này cũng đã bị loại bỏ.
Có một LG hùng mạnh trong quá khứ:
LG có lịch sử phát triển trong mảng điện thoại 26 năm, và trong thời gian đó, rất nhiều mẫu điện thoại đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người dùng.
Thời thế thay đổi, công nghệ phát triển, kỷ nguyên smartphone ập đến, LG cũng rất nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy thị trường, họ hợp tác với Google để sản xuất Nexus 4 và Nexus 5, đưa ra những mẫu điện thoại mới với nhiều nổi bật về tính năng, công nghệ, áp dụng nhiều cải tiến vào sản phẩm của mình, và với những việc làm đó đã đưa LG bước vào thời hoàng kim khi leo lên top 3 những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới vào năm 2013, chỉ xếp sau "anh bạn đồng hương" không độ trời chung là Samsung (mối quan hệ ân oán của LG và Samsung mình sẽ có bài viết trong tối nay) và Apple.
Nhưng thời đại "LG thịnh thế" cũng chẳng kéo dài nổi sau những cú "tự ngã" của mình. Năm 2015, họ đã đáng ra có thể rất thành công với bộ đôi G4 và V10 nếu không có cú "phốt" về đột tử, nhưng không, LG đã không thể vực dậy được như thời hoàng kim của mình, mà đọng sâu trong tâm trí người tiêu dùng khi nhắc đến LG chỉ là "lỗi và lỗi", người dùng rất "rén" khi nghe đến LG. LG đã tự đánh mất vị thế như vậy đó.
Từ 2015-2020, LG sống lay lắt với cái bóng dáng hào hùng trong quá khứ, tình cảnh không khác gì 2 anh bạn cùng tiến là HTC và Sony, thị phần đã ít lại còn tụt nhanh i như cái cách tụt giá điện thoại LG vậy. Tổng thị phần toàn cầu của hãng đã giảm từ 5% năm 2015 xuống chỉ còn 2% năm 2020. Ngoại trừ thị trường Mỹ, LG không có chỗ đứng trong bảng thị phần smartphone bán chạy ở các quốc gia khác, hay nói cách khác thì LG bây giờ chỉ nằm trong nhóm "other".
Tình thế hiện tại của LG Mobile:
LG vẫn đứng thứ 3 trong danh sách hãng smartphone tại thị trường Mỹ vào quý 3/2020, với 13% thị phần theo số liệu của Counterpoint Research.
Trên các thị trường khác, LG gần như mất bóng chứ đừng nói đến hình. Theo số liệu do Counterpoint công bố, trong quý 3/2020, lượng xuất xưởng điện thoại di động của LG là 6,5 triệu chiếc, thấp hơn 7,2 triệu chiếc so với cùng kỳ năm 2019 và thị phần chỉ chiếm 2%, quá nhỏ bé so với vị thế của mình.
Trong 5 năm gần đây, mảng kinh doanh smartphone của LG đã lỗ tới 4,5 tỷ USD. Cụ thể, số quý thua lỗ liên tiếp là 23 quý.
Về nguyên nhân thất bại thì có lẽ chúng ta không cần bàn đến nhiều, nhưng sâu xa nhất vẫn là từ chính LG luôn muốn cải tiến, nhồi nhét công nghệ, mảng smartphone của họ như một mảng để họ phô diễn cho cả thế giới thấy, nhưng tiên phong không phải lúc nào cũng tốt, hay đúng hơn là họ tiên phong nhưng lại đi nửa vời để các đối thủ của mình vượt lên.
Có thể thấy, LG Mobile như một cục nợ mà tập đoàn muốn đẩy đi nhưng lại "chơi khôn" với các đối tác đàm phán khi ưu tiên đối tác có thể mua lại các nhà máy sản xuất trong khi vẫn muốn giữ quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ di động cũng như thiết kế sản phẩm. Và rõ ràng rồi, chả ai có thể chấp nhận việc mua mấy cái nhà máy "vô hồn" ở Việt Nam hay Brazil với mức giá cao ngất ngưởng mà LG mong muốn.
Vậy, với việc này, LG liệu có thật sự cam tâm rời bỏ mảng smartphone?
Tôi nghĩ là không dễ dàng như vậy, ngay trong chính cái cách LG giữ lại những bằng sáng chế, thiết kế, sở hữu trí tuệ thì LG chắc hẳn không chỉ giữ lại cho vui, làm kỷ niệm hay để làm bài học thất bại xương máu truyền lại cho thế hệ tiếp quản tập đoàn sau này. Có lẽ họ sẽ tạm gác lại mảng này rồi bất thình lình từ dưới đất chui lên, hoặc mạnh tay tái cơ cấu, làm một cuộc cách mạng với LG Mobile, và sản phẩm cũng sẽ vẫn ra bình thường, kể cả việc họ có tìm được đối tác chấp nhận việc chỉ mua nhà máy thôi thì điều đó cũng không quá nghiêm trọng với họ.
Nhìn Sony xem, họ cũng từng coi Sony Mobile là "đứa con ghẻ", muốn tự kết liễu nó, nhưng họ không làm thế, họ tái cơ cấu, gộp luôn mảng được cho là gánh nặng về chung nhà với TV Bravia và máy ảnh Alpha, đây cũng là nước đi khá hay khi 3 mảng này có thể hỗ trợ trực tiếp cho nhau thay vì để Sony Mobile đứng độc lập để trở thành "đứa con phá gia chi tử". Và kết quả là họ vẫn cho ra mắt những sản phẩm mới đều đặn phần nào an ủi được fan hâm mộ.
Cá nhân tôi vẫn muốn LG tồn tại, đơn giản vì không muốn thấy "Hội LG fan" sẽ được đổi thành "Hội hoài niệm LG Mobile" =)) và trên hết là vẫn muốn người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn ngoài Samsung, Apple hay các hãng đến từ Trung Quốc.
___
Seeder LG
Theo Facebook Nguyễn Sơn Hải