Xin được chia sẻ lại bài viết của tôi cách đây gần 3 năm để mọi người cùng đánh giá:
"Vì sao tôi chọn Vinfast ?
Tôi là một trong những khách hàng đầu tiên của Vinfast, đặt cọc Lux A2.0 ngay từ tháng 11/2018 khi mới chỉ có xe mô hình trưng bày, các thông số ban đầu đều chỉ mang tính tham khảo.
Khi biết tôi đặt cọc mua xe, 100% những người trao đổi với tôi đều cùng có các câu hỏi:
- Vì sao lại quyết định mua xe do Việt Nam sản xuất?
- Vingroup làm BĐS, bán lẻ... thì biết gì mà làm ô tô?
- Sao lại chọn mua xe Việt khi các hãng khác có hàng trăm năm kinh nghiệm sản xuất ô tô?
- Liệu xe Vinfast có giống xe Tàu, đẹp mã mà chất lượng chẳng ra gì?
Phải nói ngay rằng tôi không chú trọng vào việc mua ô tô Vinfast để ủng hộ hàng Việt Nam hay vì "tinh thần dân tộc". Tôi cũng không
phải là đối tác hoặc có liên quan đến Vingroup nhưng với cách nhìn nhận của bản thân, tôi chọn mua xe Vinfast vì những lý do chính sau:
1. Quy mô đầu tư:
Khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô, Vinfast xác định phải làm bài bản, nghiêm túc, đầu tư đủ tầm để tạo ra những sản phẩm tốt. Việc đồng bộ hóa chu trình sản xuất từ đầu đến cuối, bao gồm dập, hàn, chế tạo động cơ, sơn, hoàn thiện nội thất... đã thể hiện quyết tâm đó.
Tổng mức đầu tư của dự án trong chưa đầy 2 năm qua đã lên tới trên 1.32 tỷ USD, gấp hơn 25 lần - các bạn không nhìn nhầm đâu - mức vốn pháp định 49 triệu USD của Toyota Việt Nam, anh cả làng ô tô kinh doanh từ năm 1995 tại dải đất hình chữ S !!!
Các hãng xe lớn như Toyota, Nissan, Suzuki, Mitshubishi, Ford, Mercedes, Hyundai, Mazda... sau bao năm ở Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở việc nhập động cơ/khung gầm/hộp số để lắp ráp, coi Việt Nam chỉ là nơi chuyển giá thu lợi nhuận cho tập đoàn mẹ chứ không có ý định đầu tư bài bản lâu dài. Đã bao năm công nghiệp ô tô Việt Nam ở trong tình trạng èo uột và thiếu cạnh tranh, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá cao trong khi khách hàng lại không có được sản phẩm, dịch vụ và giá cả tốt.
Còn bây giờ, sự ra đời của Vinfast đang cố gắng thay đổi điều đó.
2. Chiến lược và quyết tâm thực hiện chiến lược của Lãnh đạo tập đoàn Vingroup và sự nỗ lực của cả một bộ máy thực hiện/đối tác:
Có ai tin một doanh nghiệp Việt có thể xây dựng, vận hành một nhà máy sản xuất ô tô trong chưa đầy 2 năm? Có ai tin các đối tác sừng sỏ trong ngành công nghiệp ô tô sẵn sàng hợp tác cùng một doanh nghiệp thuần Việt để tạo ra chiếc xe thương hiệu Việt ? Có ai tin một vùng đầm lầy nuôi trồng thuỷ sản ở Cát Hải - Hải Phòng lại trở thành một trong những dự án công nghiệp tỷ đô ít ỏi tại Việt Nam? Có ai tin một doanh nghiệp ô tô start-up như Vinfast - vừa đi vay, vừa chọn đối tác, vừa xây dựng/vận hành, vừa quảng bá hình ảnh... mà đã có cả chục ngàn khách hàng đặt niềm tin lựa chọn sản phẩm mà họ chưa bao giờ được lái thử?
Đương nhiên, nếu không vạch ra chiến lược, có quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc đầu tư/vay hàng tỷ đô la Mỹ để thực hiện dự án là canh bạc rủi ro của Vinfast/anh Vượng nói riêng và Vingroup nói chung.
Do đó khi thực hiện dự án không cho phép bất cứ sai lầm nào về chiến lược, đặc biệt là đối với những sản phẩm đầu tiên của Vinfast như Lux A2.0 và SA2.0.
3. Bài toán kinh tế của Vinfast
Để thực hiện dự án, Vinfast phải đi vay, và ở đây là vay hàng trăm triệu đô la Mỹ. Hầu như không thể thu xếp vốn với các ngân hàng trong nước nên Vinfast phải vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế.
Để vay 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, Vinfast được Euler Hermes – cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay với sự thu xếp tài chính bởi Credit Suisse AG và HSBC.
Đương nhiên Vinfast phải có phương án kinh doanh, phương án trả nợ thuyết phục thì mới vay được các định chế tài chính lớn như vậy... Nếu không tin tưởng dự án thành công thì chẳng có tư bản nào bỏ tiền cho vay để dự án trở thành nợ xấu cả.
Tôi làm trong lĩnh vực tài chính nên rất hiểu để vay tiền thực hiện Vinfast, Vingroup chấp nhận bị tăng hệ số nợ, giảm hạng mức tín nhiệm, đồng nghĩa với việc thu xếp vốn sẽ khó khăn và với chi phí cao hơn. Nhưng Vingroup vẫn cứ vay và vay thành công, đồng nghĩa với việc được chủ nợ tin tưởng vào tính khả thi của dự án.
4. Về chiến lược kinh doanh của Lux A2.0 và SA2.0:
Rõ ràng Lux A2.0 và SA2.0 được lựa chọn "mở hàng" không vì mục tiêu lợi nhuận cao, mà sứ mệnh là làm sao tạo dấu ấn đầu tiên cho Vinfast. Nếu phân tích kỹ thì các dòng xe cỡ nhỏ hạng A - B - C, CUV gia đình (dòng Fadil hay các xe dòng Premium) mới là mục tiêu chính của Vinfast, căn cứ trên nhu cầu, thị hiếu, khả năng chi trả và triển vọng của các mẫu xe này ở Việt Nam trong tương lai.
Vinfast chắc chắn phải đầu tư xứng tầm cho Lux A2.0 và SA2.0 để chứng minh thương hiệu Việt không thua gì các hãng danh tiếng. Việc tham gia Paris Motor Show hay tài trợ cho giải đua F1 là cách quảng bá thương hiệu bài bản ra thế giới. Khi đã quảng cáo tốt, những chiếc Lux A2.0 và SA2.0 cũng trình làng ấn tượng thì việc quảng bá cho các dòng xe Premium sẽ dễ dàng hơn nhiều với Vinfast, mà như đã phân tích ở trên, đó mới là thị trường chính và là nơi Vinfast trông chờ hiệu quả đầu tư dựa trên lợi thế về quy mô.
5. Về chất lượng:
Việc Vinfast lựa chọn đối tác thiết kế, cung cấp các thành phần chính của động cơ, hộp số, khung gầm, các linh kiện phụ trợ... từ các hãng danh tiếng với tiêu chuẩn đầu vào nghiêm ngặt là sự đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm chất lượng không thua kém các nước có ngành ô tô phát triển.
Nếu bạn được Vinfast thông báo đối tác của họ là BMW, AVL, Magna Steyr, Bosch, Siemens, Pininfarina, Schuler, Durr, ZF, Lear, AAPICO, ABB, Michelin, LG Chems... thì đó là cơ sở vững chắc để tin tưởng những cấu thành chính trên chiếc xe sẽ được cung cấp/sản xuất bởi những tên tuổi hàng đầu trên thế giới trong mỗi lĩnh vực mà họ có thế mạnh.
Sẽ không ngạc nhiên nếu những bộ phận chính như động cơ, hộp số, ghế lái, màn hình... trong 2 loại xe Lux đầu tiên sẽ được nhập khẩu và lắp ráp nguyên cụm tại Việt Nam.
6. Mục tiêu xuất khẩu:
Trên thực tế ở Việt Nam số lượng khách hàng trong tay có sẵn từ 1 - 1,5 tỷ để mua xe Lux A2.0 và SA2.0 không nhiều (khoảng dưới 10.000 đơn đặt hàng cho đến hiện tại, chỉ tương đương 15 ngày sản xuất liên tục của Vinfast với công suất 30 xe/giờ), do đó Vinfast buộc phải nhắm tới mục tiêu xuất khẩu đối với các mẫu xe hạng D, E này và các dòng Premium thấp hơn. Mà đã xuất khẩu thì không thể không đạt được tiêu chuẩn/chất lượng quốc tế cũng như các chiến dịch marketing chất lượng. Việc đưa xe đi kiểm thử theo tiêu chuẩn cao ở nhiều quốc gia chứng minh nhận định này là đúng. Sẽ không ngạc nhiên nếu Vinfast sắp tới công bố kết quả thử nghiệm va chạm đạt tiêu chuẩn 5 sao ASEAN/EURO NCAP và Vinfast sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là thị trường Nga, Ucraina và các nước Đông Âu...
7. Về cách thức bán hàng/định giá sản phẩm:
Nhiều người cho rằng Vinfast bán hàng khi chưa có xe với giá 3 không, sau đó tăng giá theo thời gian chỉ là chiêu trò quảng cáo.
Nhưng là người làm kinh doanh, tôi lại thấy đây là cách marketing hiệu quả:
- Những ai tin tưởng vào sản phẩm ngay từ ban đầu sẽ phải trả giá ít hơn, mà thực tế chỉ cần nộp 50 triệu đặt cọc. Vinfast có được thông tin về thị trường, thị hiếu, có kế hoạch sản xuất... Và đến trước khi giao xe 1 tháng (khoảng tháng 8/2019) khách hàng mới cần thanh toán cho Vinfast.
- Còn những ai vẫn đắn đo, hồ nghi thì họ sẽ có thời gian trải nghiệm thực tế khi xe đã xuất xưởng. Lúc đó khi đã có sự so sánh với các sản phẩm cùng phân cấp về tính năng, chất lượng thì khách hàng sẽ nhận ra dù với giá bán đã điều chỉnh 1.5 lần so với mức giá ưu đãi ban đầu thì vẫn còn thấp hơn nhiều so với chọn mua xe nhập khẩu có cùng tính năng. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.
8. Giá bán :
Bao nhiêu năm qua người ta giải thích xe hạng D - E đắt là vì giá nhập khẩu về Việt Nam cao, thuế cao. Điều đó đúng một phần do dòng xe này đòi hỏi chủ sở hữu phải có tiềm lực kinh tế tốt để mua và vận hành, bảo trì/bảo dưỡng và quan trọng nhất là... đóng góp cho Ngân sách Nhà nước!
Nhưng trên thực tế, một chiếc xe hạng E xuất xưởng ở Đức/Mỹ chỉ có giá bán lẻ khoảng 30,000 - 40,000 USD nhưng khi về Việt Nam bị đội giá thành 100,000 - 120,000 USD khi lăn bánh, do phải tính các loại thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và chi phí, lãi cho nhà nhập khẩu/phân phối. Điều đó vô tình làm cho chúng ta có ý nghĩ rằng xe hạng E phải tầm trên 100,000 USD thì mới gọi là tạm ổn, còn xe sản xuất ở Việt Nam có đến mức tiền tỷ chắc cũng chưa đủ tầm.
Vinfast đang chứng minh điều đó đang dần không đúng nữa: Khi các thành phần chính của xe sẽ được sản xuất ở Việt Nam, các hãng danh tiếng là đối tác/nhà cung cấp linh kiện, sử dụng các ứng dụng CNTT 4.0 trong lập kế hoạch/sản xuất/bán hàng, được ưu đãi về thuê đất/thuế/chính sách... thì chi phí linh kiện, chi phí sản xuất sẽ dần tiệm cận các sản phẩm tương đồng ở các nước phát triển, trong khi giá nhân công của Việt Nam luôn ở mức thấp nhất thế giới. Khi đó, khách hàng sẽ chỉ phải trả ít hơn cho một sản phẩm cao cấp mà trước đây họ phải trả gấp 2 - 3 lần giá trị xuất xưởng, trong khi Vinfast vẫn có lợi nhuận để trả tiền gốc lãi cho chủ nợ và tiếp tục đầu tư phát triển.
Còn với tư cách là một người tiêu dùng, khi làm bài toán kinh tế, tôi sẵn sàng trả 50 triệu đặt cọc + 750 triệu tiền xe Lux A2.0 vì chắc chắn sẽ thấp hơn giá bán rộng rãi ở mức 1.366 triệu, cộng với lựa chọn mua hay không mua cho một chiếc xe hạng E.
Bản thân tôi phải cảm ơn Vinfast, vì với 45,000 USD khi lăn bánh, tôi được sử dụng mẫu xe hạng E với đủ tính năng cao cấp, khi trước đây số tiền này chỉ có thể ước mơ mua Mazda 6, một mẫu xe hạng D!
9. Tính "cá nhân hóa"
Vinfast là công ty đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thay đổi cách thức đặt xe, lựa chọn options của người tiêu dùng. Nếu như các công ty khác, kể cả Toyota, Thaco, Hyundai... đều chỉ có 3-5 cấu hình cho một loại xe thì với 8 màu, trên 20 lựa chọn options, khách hàng của Vinfast có tới hàng trăm tuỳ biến lựa chọn khác nhau tuỳ thuộc mong muốn, sở thích và ... túi tiền. Cách thức này là phổ biến ở các nước phát triển nhưng các công ty hoạt động ở Việt Nam trước nay chỉ tập trung sản xuất/nhập khẩu, bán hàng và thu lợi nhuận thay vì quan tâm đến nhu cầu “cá nhân hoá” cấu hình của mỗi khách hàng như cách Vinfast đang hướng tới.
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, trong thời gian tới ngoài việc tập trung đưa nhà máy vào vận hành, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, Vinfast nên/cần:
1. Đẩy mạnh truyền thông về các công đoạn sản xuất, các bài thử nghiệm, đặc biệt là các tính năng an toàn và khả năng vận hành - điều mà các khách hàng luôn quan tâm. Người Việt vẫn muốn mắt thấy, tai nghe, tay sờ, chân đạp ga... mà đến giờ mới được cảm nhận điều đầu tiên.
2. Đối với những người đã đặt cọc tin tưởng mua xe, họ cần được Vinfast mời đến Nhà máy Vinfast ở Cát Hải để mắt thấy/tai nghe về quy trình sản xuất của Vinfast, trước hết là yên tâm với tài sản mà mình đã chọn mua nhưng quan trọng hơn, họ sẽ là những người quảng cáo tốt nhất cho Vinfast một khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn và kỳ vọng của khách hàng. Chi phí mời khách hàng đến Hải Phòng chắc không quá cao nhưng nếu làm được thì hiệu quả không có cách nào bằng.
3. Vinfast nên sớm trưng bày xe Lux A2.0 và SA2.0 hoàn chỉnh, với các màu sơn và demo các tính năng của xe và các options để khách hàng tham khảo, lựa chọn. Tôi tin rằng các tính năng vận hành sẽ “chấp” tất cả các loại xe có mức giá cao hơn 30% so với Lux A2.0 và SA 2.0 đang bán trên thị trường)
4. Mạng lưới bán hàng, dịch vụ của Vinfast cần được mở rộng, chất lượng tư vấn bán hàng và dịch vụ khách hành cần được chú trọng đào tạo bài bản, nghiêm túc.
Tóm lại, Vinfast còn nhiều việc phải làm nhưng tôi tin sẽ thành công!"
Nguồn: Nguyễn Quý Đường