Sau 7-8 tiếng ngủ dài vào ban đêm, cơ thể thực sự rất cần uống nước. Một ly nước vào buổi sáng giúp ích rất nhiều cho nhu động ruột đường tiêu hóa, cải thiện chứng táo bón hiệu quả. Ngoài một cốc nước ấm uống sau khi ngủ dậy, bạn có thể ăn sáng và bổ sung thêm một loại nước khác để nhâm nhi, giảm nôn nao, cung cấp năng lượng, thúc đẩy sự trao đổi chất của bạn và hơn thế nữa.
3 loại nước tốt nhất để uống trong bữa ăn sáng là nước gừng, nước dừa, cà phê, nhưng bạn có biết rằng những loại nước này không nên tiêu thụ sau bữa tối vì có thể gây hại cho sức khỏe hay không? Cùng nghe phân tích của chuyên gia để biết cách tiêu thụ khoa học nhé.
1. Nước gừng tươi
Nước gừng, trà gừng nổi tiếng với những tác dụng dành cho sức khỏe như thông xoang, long đờm, ngăn ngừa bệnh cảm cúm do thời tiết. Đặc biệt, gừng là thực phẩm giàu hợp chất pararadol và gingerol quý báu, giúp bảo vệ dạ dày và ruột khỏi bệnh ung thư và tim mạch.
Trong Đông y, gừng tươi còn có tên gọi là Sinh Khương, có vị cay, tính ấm. Dù bổ dưỡng và rất tiện dụng trong cuộc sống nhưng nhiều bác sĩ Đông y vẫn cho rằng trà gừng nói riêng và các thực phẩm chứa gừng nói chung cần phải cẩn trọng khi dùng.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng: Nước gừng, trà gừng là rất tốt khi được tiêu thụ vào buổi sáng vì lúc này khí trong dạ dày nhiều, tốt cho dương khí.
Ngược lại, uống nước gừng vào buổi tối không hề có lợi, thời điểm này âm khí trong cơ thể nhiều, tính nóng của củ gừng sẽ phát huy tác hại, gây ra đau bụng, khó ngủ, nóng trong. Ngoài ra, uống nhiều trà gừng vào buổi tối cũng sẽ gây tiểu rắt, làm gián đoạn giấc ngủ. Các sách y học cổ có truyền lại câu nói: "Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm. Buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín" cũng là vì lý do đó.
Lưu ý: Lương y Sáng khuyến cáo, nước gừng sẽ tốt nhất khi được tiêu thụ trong bữa sáng. Nhưng tránh sử dụng gừng quá nhiều, trong thời gian dài vì có thể sinh toét mắt, chảy nước mắt sống, gây chướng bụng, đầy hơi, làm loãng máu. Liều lượng uống nước gừng tốt nhất là một cốc mỗi ngày. Nên hạn chế lượng gừng dùng xuống dưới 5mg/ngày.
2. Nước dừa
Y học cổ truyền Ayurvedic (Ấn Độ) tán dương nước dừa như một thần dược có lợi cho tiêu hóa, tiểu tiện, hệ miễn dịch... Theo các chuyên gia sức khỏe trên tờ NDTV, thời điểm tốt nhất để uống nước dừa là vào buổi sáng. Trong nước dừa có chứa nhiều axit lauric, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, khởi động quá trình trao đổi chất của bạn và giúp giảm cân hiệu quả.
Ngoài ra, tiêu thụ nước dừa vào buổi sáng còn giúp giảm huyết áp và tránh đột quỵ. Lý do bởi trong loại quả này có chứa nhiều kali. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều kali có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp và thậm chí bảo vệ chống lại đột quỵ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên tờ Stylecraze, buổi tối là một trong những thời điểm cần tránh uống nước dừa vì đây là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, trong khi đó nước dừa có tác dụng lợi tiểu, nó sẽ khiến bạn phải ra khỏi giường rất nhiều lần trong đêm để đi vệ sinh, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây suy nhược cơ thể.
3. Cà phê
Cà phê được nhiều người biết đến như một đặc sản của bữa sáng vì nó giúp cải thiện tâm trạng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sự minh mẫn và giúp não bộ tập trung tốt hơn. Tuy nhiên, đừng bao giờ uống cà phê vào buổi tối vì caffein có thể khiến bạn mất ngủ hoàn toàn hoặc ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ. Hơn nữa, uống cà phê sau bữa tối cũng sẽ khiến bạn gặp triệu chứng khó chịu như đau đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, đau dạ dày...
Theo các chuyên gia sức khỏe trên kênh Aboluowang, Trung Quốc vẫn khuyên rằng: Thời điểm uống cà phê tốt nhất trong ngày là sau bữa sáng và bữa trưa.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Tim mạch châu Âu, việc lạm dụng cà phê sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ ở những người trong độ tuổi từ 18-45. Mọi người không nên uống quá 2 cốc/ngày.