Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều cơ sở thẩm mỹ với các danh xưng rất kêu" như: học viện tóc, viện thẩm mỹ....tự tổ chức đào tạo dạy nghề trái phép. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bất chấp pháp luật tổ chức đào tạo dạy nghề chui, cấp chứng chứng chỉ mập mờ, thậm chí phản cảm.
|
|
Cơ sở chính của Học viện Anh Đức Anh (25 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội). |
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, nếu doanh nghiệp, tổ chức muốn tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ nghề, chứng nhận cho học viên thì phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cơ quan chức năng chỉ cấp giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo, diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học; phải có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, tại Viện tóc Anh Đức Anh (25 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn liên tục quảng cáo tuyển sinh trên các trang fanpage, livestream tổ chức đào tạo và thường xuyên cập nhật hình ảnh thu học phí, cấp chứng chỉ cho học viên.
|
|
Trang fanpage "Viện tóc Anh Đức Anh" liên tục cập nhật thông tin tuyển sinh các khóa học theo từng tháng. |
Tìm hiểu cụ thể tại cơ sở này, phóng viên ngoài việc phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật còn có cấp "chứng chỉ" cho học viên rất phản cảm.
Trong vai một người có nhu cầu học nghề khi đọc thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến cơ sở của Viện tóc Anh Đức Anh. Một nhân viên của cơ sở này có tên Nguyễn Bé Xuân-tự nhận là cán bộ quản lí ở đây cho biết: “Học phí hiện tại của một khóa tóc cơ bản là 10 triệu đồng, thời gian học từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu sẽ học trên ma-nơ-canh, giai đoạn sau sẽ học trên mẫu người thật và giai đoạn cuối sẽ học về hóa chất. Nếu ai có nhu cầu học nâng cao tay nghề thì phải đóng thêm 5 triệu đồng để học khóa nâng cao”.
Chị Xuân còn cho biết thêm: “Hiện tại mỗi lớp thường đào tạo khoảng 20 học viên. Khi học xong thì bên chị sẽ cấp bằng cho em và có chứng chỉ luôn. Nếu ai có nhu cầu ở lại làm thì bên chị sẽ giới thiệu việc làm luôn cho học viên”.
|
|
Anh Nguyễn Quốc Đức – Giám đốc Học viện Anh Đức Anh chụp ảnh cùng học viên trong buổi lễ tốt nghiệp tại cơ sở của mình. |
Sau đó, PV hỏi về chứng chỉ cấp cho học viên sau khi kết thúc khóa học thì chị Xuân đưa cho 1 tấm "chứng chỉ"...chẳng giống ai. "Chứng chỉ" phần lớn bằng tiếng Anh, chỉ có chức danh, tên chữ ký của người cấp và tên người nhận và một dòng chữ "Không phải dạng vừa đâu" là bằng Tiếng Việt. Tên của của tổ chức cấp viết không đầy đủ, rõ ràng, mập mờ và nửa Tây nửa Ta.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, Viện tóc Anh Đức Anh đã tổ chức chiêu sinh, đào tạo và cấp "chứng chỉ" cho nhiều khóa, nhiều năm gần đây.
Để tìm hiểu sự việc, PV đã liên hệ, làm việc với Sở Lao động -Thương binh Xã hội Hà Nội. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có công văn số 5742/SLĐTBXH-DN trả lời về việc tổ chức đào tạo dạy nghề và cấp chứng chỉ cho học viên của Viện tóc Anh Đức Anh.
Theo đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Học viện Anh Đức Anh tại cơ sở 25 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
|
|
Mẫu "chứng chỉ" có một không hai của Viên tóc Anh Đức Anh cấp cho học viên sau khi kết thúc khóa học. |
Như vậy, việc Viện tóc Anh Đức Anh đang vi phạm hàng loạt các điểm của Nghị 79/2015/NĐ-CP, từ hành vi thông báo tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thu phí, cấp chứng chỉ....Không những thế, "chứng chỉ" của đơn vị này cấp cho học viên còn in những dòng chữ dung tục, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm.
1. Theo điểm b, khoản 2, Điều 16 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định về quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp với nội dung không đúng quy định hoặc không đúng mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đã cấp đối với hành vi vi phạm.
2. Tại khoản 5, Điều 8 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định về tuyển sinh đào tạo: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng bất cứ hình thức nào khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3. Tại khoản 6, Điều 8 của Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Biện pháp khắc phục hậu quả của khoản 5 và khoản 6 là công khai việc dừng tuyển sinh trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm.
4. Theo điểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy địnhvề thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cơ sở đào tạo hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu, trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đối với hành vi vi phạm quy định; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp đối với hành vi vi phạm.
5. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.