Nhằm đảm bảo sự minh bạch, phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường bất động sản trên địa bàn, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đăng tải công khai thông tin về các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đủ điều kiện huy động vốn; đủ điều kiện được phép bán nhà hình thành trong tương lai; chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lần 1 (tháng 4/2022).

Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia bị “bêu” đầu tiên luôn ạ.

Bây giờ mới “bêu tên” thì có muộn không các bác? Vì là năm 2021 em thấy dự án được giới thiệu tùm lum, tòe loe trên mạng xã hội rồi. Em cũng thấy dân tình nườm nượp đi mua. Mà giá không hề rẻ đâu ạ. Liền kề thì trên dưới 40 triệu đồng/m2, biệt thự thì từ 90 triệu tới 100 triệu nhé.

Năm 2021, em thấy báo chí đã liên tục nhắc đến câu chuyện “bán lúa non” của dự án Bắc Đầm Vạc. Thế nếu chẳng may có “biến” thì những hợp đồng được ký trước thời điểm được cấp phép (mà chẳng biết là bao giờ) thì người mua nhà toang hoác ạ. Thôi, cứ lập đàn cầu kịch bản xấu đó không xảy ra ạ.

Nhưng mà nếu nó xảy ra thì ai phải chịu trách nhiệm nhỉ? Em chịu ạ. Lên phường hỏi nhé. Còn em thì đang rảnh, ngồi xem những ông chủ thực sự của chủ đầu tư dự án là ai.

Hé lộ giới chủ của Sông Hồng Hoàng Gia và Sông Hồng Thủ Đô

Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia thành lập ngày 17/7/2009. Tại ngày 21/2/2017, vốn điều lệ của công ty tăng mạnh từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô (sở hữu 80% vốn, tương đương 800 tỷ đồng), bà Trần Diệu Hà (sở hữu 10% vốn, tương đương 100 tỷ đồng). Cổ đông sáng lập Nguyễn Thanh Mai đã thoái vốn hoàn toàn khỏi công ty.

Tại Sông Hồng Hoàng Gia, ông Tạ Đức Cường nắm giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Cổ đông lớn nhất của Sông Hồng Hoàng Gia là Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô).

Tại ngày 19/4/2017, cơ cấu cổ đông của Sông Hồng Thủ Đô bao gồm: ông Nguyễn Văn Niên (sở hữu 56,571% vốn công ty, tương đương 396 tỷ đồng), bà Trần Diệu Hà (sở hữu 43% vốn, tương đương 301 tỷ đồng) và ông Nguyễn Văn Phúc (sở hữu 0,429% vốn, tương đương 3 tỷ đồng).

Tới ngày 4/3/2022, vốn điều lệ công ty tăng lên 2.000 tỷ đồng.

Sông Hồng Hoàng Gia “vớ bẫm” nhờ Bắc Đầm Vạc bị “bán chui”?

Năm 2021, dự án Bắc Đầm Vạc được rao bán rộng rãi với cái tên nửa Tây, nửa Ta: “River Bay Vĩnh Yên”. Dự án nóng hầm hập. Nhưng ngay từ đầu, báo chí đã rầm rộ vào cuộc đặt ra nghi án “bán chui”. Thế mà chủ đầu tư chả bị ăn án phạt nào. Hoặc em không cập nhật kịp. Bác nào biết thông tin mở tầm mắt cho em với ạ.

Nếu năm 2021, việc “bán chui” tại dự án Bắc Đầm Vạc chỉ là “nghi án” thì với công văn mới được công bố của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, “nghi án” này đã trở thành “hiện thực khách quan”. Nếu thế, dự án có bị “hồi tố” phạt không ạ?

Bằng chứng ở đâu? Lấy trên mạng ý. Với cả trong “két” của Sông Hồng Hoàng Gia nữa. Theo em được biết, Sông Hồng Hoàng Gia đang có mỗi dự án Bắc Đầm Vạc (bác nào biết thêm thì bổ túc cho em với nhá). Thế nhưng, năm 2021 công ty đạt tận 176 tỷ đồng doanh thu, tăng thần tốc so với con số 555 triệu đồng của năm 2020.

Nhờ đó mà công ty mới được mùi lợi nhuận 32,9 tỷ đồng. Trước đó, Sông Hồng Hoàng Gia lỗ từ năm này qua năm khác.

Ấy là em còn chưa nói đến nợ. Các bác nào mua nhà ở đó coi chừng. Với khoản nợ lên tới 2.069 tỷ đồng hồi cuối năm 2021, công ty phải cầm cố dự án Bắc Đầm Vạc rồi. Mà dự án này vừa được cầm cố tại MB, vừa được dùng làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu trị giá gần 500 tỷ đồng do Công ty chứng khoán MB thu xếp.

Hà Anh 

Nguồn
Link bài gốc