Gem Sky World đang là một trong những dự án “hót hòn họt” tại Đồng Nai. Gem Sky World hot không phải vì có chính sách bán hàng gì đặc biệt hay sản phẩm nào đó “cực phẩm”.
Gem Sky World đang “nổi đình nổi đám” chỉ vì Bộ Tài Nguyên - Môi trường sẽ thanh tra 10 dự án đất đai tại Đồng Nai về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành) của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An (Công ty Hà An) cũng nằm trong “Top 30” này.
Thông báo về việc thanh tra không “réo” thẳng tên dự án của chủ đầu tư nhưng Gem Sky World lại có địa chỉ giống hệt dự án của Công ty Hà An bị thanh tra. Đó là nằm ở xã Long Đức, huyện Long Thành.
Thế là tự dưng Gem Sky World lại nổi lềnh phềnh thôi ạ. Và đa số người mua nhà đều thể hiện sự lo lắng. Đương nhiên rồi, dự án bị “vào tầm ngắm” thì sao mà không lo cho được chứ.
Nhưng mà nói thật, đây không phải lý do duy nhất nhà đầu tư nên “lo lắng” cho Gem Sky World. Còn một nguyên nhân này khiến tôi như đang ngồi trên đống lửa. Ấy là khả năng thanh khoản của Công ty Hà An. Hay nói cách khác là khả năng trả nợ ngắn hạn.
Nợ tăng vù vù
Xét về tốc độ tăng vốn thì Công ty Hà Anh đúng là “đỉnh của chóp”, ờ mây zing gút chóp. Tới ngày 18/1/2022, sau rất nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Công ty Hà An đã vọt lên 8.800 tỷ đồng. Trước đó vài năm, con số này chỉ là vài trăm tỷ đồng. Đa phần vốn góp đều thuộc về Tập đoàn Đất Xanh. Trong suốt thời gian dài, Đất Xanh sở hữu tới 99,9% vốn công ty Hà An.
Nhưng Công ty Hà An không chỉ có tài tăng vốn. Khả năng tăng nợ của công ty còn “đỉnh” cao không kém.
Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Hà An lên tới 14.079 tỷ đồng, tăng 4.676 tỷ đồng, tương đương 49,7% so với năm 2020, cao gấp 1,76 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 63,8% tổng nguồn vốn.
Để nhận được các khoản vay, Công ty Hà An phải thế chấp nhiều tài sản trong đó có “toàn bộ các quyền tài sản thuộc sở hữu của Bên Thế Chấp liên quan việc phát triển, khai thác dự Án Opal Skyline”.
Chưa dừng lại ở đó, tới năm 2022, Công ty Hà An tiếp tục ký thêm nhiều hợp đồng vay vốn và phát hành trái phiếu. Trong tháng 7/2022, Hà An bất ngờ trở thành “ngôi sao” vì trở thành công ty bất động sản duy nhất phát hành trái phiếu.
Tại sao lại nói là “ngôi sao”? Đơn giản là vì thời điểm đó, sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, trái phiếu bất động sản bất ngờ “án binh bất động”. Công ty Hà An trở thành người tiên phong “phá băng”.
Nợ ngắn hạn vượt xa tài sản ngắn hạn
Thế nhưng, nợ tăng mạnh, tăng nhờ cả trái phiếu lại chưa hẳn vấn đề đáng lo nhất tại Hà An. Cái này tôi mới thấy “xoắn nhất” này. Đó là khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty cần phải được bàn tới khi nợ ngắn hạn của công ty vượt xa tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, hồi cuối năm 2021, nợ ngắn hạn của Hà An đạt 13.735 tỷ đồng, tăng 6.030 tỷ đồng, tương đương 78,3% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn dù tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt 9.899 tỷ đồng.
Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Công ty Hà An tại thời điểm 31/12/2021 chỉ là 0,72.
Theo nguyên tắc kế toán, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Hà Anh