Nợ thuế, cầm cố dự án để phát hành trái phiếu
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Investment) được đưa ra là ví dụ cho tài năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Sáng. An Gia tăng tốc rất nhanh, từ một nhà môi giới trở thành nhà phát triển bất động sản có “số má” trên thị trường TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện tại, An Gia Investment đã bộc lộ ra không ít vấn đề. Một trong số đó chính là “dòng chảy của tiền”. Dù nợ thuế tăng siêu tốc, phải cầm cố loạt dự án để phát hành trái phiếu nhưng Công ty An Gia vẫn “ôm” hàng trăm tỷ đồng cho vay.
Cụ thể, hồi cuối quý 3/2022, An Gia Investment ghi nhận chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng dựng đứng, tăng 437 tỷ đồng, tương đương 450% lên 534 tỷ đồng. Đây là mức nợ thuế cao nhất của An Gia Investment trong suốt thời gian dài qua.
Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 71,1 tỷ đồng lên 286 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng tăng từ 24 tỷ đồng lên 246 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân tăng từ 1,2 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, để tài trợ cho phát hành trái phiếu và nhiều khoản vay, An Gia Investment đã phải cầm cố nhiều dự án như The Westgate, The Standard, The Sóng,
Ôm trăm tỷ cho vay các công ty thua lỗ
Trong bối cảnh nợ thuế và phải cầm cố nhiều dự án, An Gia Investment vẫn rộng tay cho vay.
Tại ngày 30/9/2022, các khoản phải thu về cho vay của An Gia Investment lên tới 2.902 tỷ đồng. Đây là các khoản cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo). Trong đó, đáng chú ý, có hàng trăm tỷ đồng được An Gia Investment chuyển cho những công ty thua lỗ, thậm chí giá trị khoản vay còn lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu của “con nợ”.
Ví dụ, hồi cuối quý 3/2022, An Gia Investment ghi nhận khoản phải thu về cho vay với Công ty cổ phần Quản lý và Phát triển Hoàng Bách (Công ty Hoàng Bách) lên đến 210 tỷ đồng.
Công ty Hoàng Bách thành lập ngày 18/7/2019 với người đại diện pháp luật là ông Vũ Đình Vượng. Quy mô vốn của công ty rất thấp, chỉ đạt 992 triệu đồng tại thời điểm cuối năm 2019, sau đó tăng lên 19,9 tỷ đồng (năm 2020) và 5 tỷ đồng (năm 2021).
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản Công ty Hoàng Bách đạt 309 tỷ đồng nhưng trong đó có tới 304 tỷ đồng là nợ phải trả. Nợ phải trả cao gấp 61,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 98,4% tổng nguồn vốn.
Không chỉ có vậy, Công ty Hoàng Bách gần như không có nhiều hoạt động đáng kể khi doanh thu 0 đồng suốt 3 năm. Kết quả là công ty ghi nhận các khoản lỗ 7,6 triệu đồng (năm 2019), 91,1 triệu đồng (năm 2020) và 14,9 tỷ đồng (năm 2021).
Nhà An Gia cũng nằm trong danh sách phải trả An Gia Investment khoản nợ 539 tỷ đồng. Tuy nhiên, An Gia Investment không ghi chính xác cái tên của “con nợ” này.
Em tìm kiếm thông tin thì thấy có một đơn vị tên Công ty cổ phần Phát triển Nhà An Gia. Nhà An Gia này cũng có tình hình tài chính dở lắm ạ. Năm 2021, công ty đạt doanh thu 178 tỷ đồng nhưng lại lỗ 15,2 tỷ đồng. Vì vậy, vốn chủ sở hữu giảm sâu từ 19,9 tỷ đồng (cuối năm 2019) xuống chỉ còn 5,3 tỷ đồng (cuối năm 2021).
Vốn giảm sâu, lỗ tăng mạnh nhưng nợ tại công ty này lại tăng bốc đầu, đạt 2.437 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Trong khi đó, năm 2019 và 2020, chỉ tiêu này chỉ là 8,3 tỷ đồng và 667 tỷ đồng.
Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư Vĩnh Nguyên (Công ty Vĩnh Nguyên) cũng là “con nợ” khủng của An Gia Investment khi nợ công ty tới 330 tỷ đồng.
Công ty Vĩnh Nguyên thành lập ngày 19/12/2019 với người đại diện pháp luật là ông Vũ Đình Vượng. Ở thời điểm thành lập, Công ty Vĩnh Nguyên có vốn điều lệ chỉ… 1 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: ông Vũ Đình Vượng (sở hữu 10% vốn, tương đương 100 triệu đồng), bà Nguyễn Thị Kim Hoa (sở hữu 90% vốn, tương đương 900 triệu đồng).
Vì vậy, không hiểu vì sao An Gia Investment lại sẵn sàng cho công ty có vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng vay tới 330 tỷ đồng.