Chậm tiến độ, chưa nộp hết tiền đấu giá

Ai “mở màn” cho đà lao đao của thị trường bất động sản? Câu trả lời là Tân Hoàng Minh. Tân Hoàng Minh “toang” từ khi nào? Câu trả lời là từ khi bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Tập đoàn này bị “soi” tứ bề, từ nhà đầu tư tới cơ quan chức năng.

Và kết quả không thể tránh được là loạt lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Anh Dũng vướng vòng lao lý.

Chính vì vậy, ai cũng nghĩ đố doanh nghiệp nào dám lằng nhằng với đấu giá đất nữa. Nhưng mà khoan. Mình “rét” không có nghĩa người khác cũng “rét” nhá. Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (viết tắt là Liên danh ADI - Đông Sơn) đang “sáng lung linh” ở Thanh Hóa kia kìa.

Chẳng là trước đây Liên danh ADI – Đông Sơn đã trúng đấu giá tại MBQH 3241 (phường Đông Hải). MBQH 3241 là Khu dịch vụ thương mại, văn phòng thuộc khu đô thị Đông Hương, phường Đông Hải.

Dự án có tổng diện tích gần 60.000m2 (tương đương 375 lô đất). Ngày 31/8/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP Thanh Hoá tiến hành bàn giao hơn 44.000m2 đất, tương đương với 335 lô đất ngoài thực địa. Đồng thời Liên danh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, 12 tháng trôi qua, Liên danh ADI - Đông Sơn vẫn chưa triển khai xây dựng nhà thô. Không chỉ chậm tiến độ, Liên danh ADI – Đông Sơn còn gây chú ý khi vẫn còn nợ 156 tỷ đồng.

Vì vậy, UBND TP Thanh Hoá muốn hủy kết quả trúng đấu giá phần diện tích đất chưa bàn giao là gần 14.000m2 (tương ứng 40 lô đất) và xem xét thu hồi phần diện tích hơn 44.000 m2 tương đương với 335 lô đất.

Nếu em không nhầm, dự án bị cầm cố rồi

Giả sử, cơ quan chức năng quyết định hủy kết quả đấu giá phần diện tích chưa bàn giao và thu hồi phần diện tích đã giao thì có thực hiện được không? Em hỏi là vì hình như dự án bị cầm cố rồi.

Các cụ thông não cho em chút nhé.

Ngày 4/5/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI và Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa cùng là bên đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) – Chi nhánh Sở giao dịch.

Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ các khoản lợi tức phát sinh từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất tại địa chỉ Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, thành phố Thanh Hóa”.

Ví dụ tài sản mà bị cầm cố rồi thì thu hồi kiểu gì các cụ nhỉ?

Liên danh lấy tiền đâu mà nộp nốt 156 tỷ đồng?

Giả sử trong trường hợp hai bên có thể đàm phán được thì Liên danh sẽ lấy tiền đâu để nộp nốt 156 tỷ đồng còn thiếu. Nếu có thể đi vay được thì dễ rồi. Còn không thì sao nhỉ.

Có thể thấy, cả Công ty Đông Sơn và Công ty ADI đều có vốn tương đối lớn. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu hai đơn vị này lần lượt đạt 401 tỷ đồng và 700 tỷ đồng.

Vốn lớn nhưng dòng tiền của cả hai đều rất yếu.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, doanh thu tại Công ty Đông Sơn rất thấp, chỉ đạt 0 đồng (năm 2017), 34,1 tỷ đồng (năm 2018), 41,4 tỷ đồng (năm 2019), 20,7 tỷ đồng (năm 2020) và 14,3 tỷ đồng (năm 2021).

Kết quả là lợi nhuận sau thuế của công ty rất khiêm tốn, chỉ đạt 60,7 triệu (năm 2019), 21,4 triệu (năm 2020) và 36 triệu đồng (năm 2021).

Trong khi đó, nợ phải trả tại công ty lại tăn siêu tốc, từ 1,1 tỷ đồng năm 2018 lên 8,7 tỷ đồng năm 2019, 192 tỷ đồng (năm 2020) và đạt “đỉnh” 903 tỷ đồng tại ngày cuối cùng của năm 2021.

Trong khi đó, dù có quy mô vốn 700 tỷ đồng nhưng Công ty ADI, doanh thu và lợi nhuận của ADI rất khiêm tốn.

Công ty ADI ghi nhận doanh thu chỉ là 2,8 tỷ (năm 2017), 3 tỷ (năm 2018), 4,2 tỷ đồng (năm 2019) 9,7 tỷ đồng (năm 2020) và 5,3 tỷ đồng (năm 2021).

Cùng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Công ty ADI cũng èo uột, chỉ đạt lần lượt 61,1 triệu đồng, 49,4 triệu đồng, 31,2 triệu đồng, 47,4 triệu đồng và 13 triệu đồng.

Hà Anh

Nguồn
Link bài gốc