Gây sụt lún nhà dân, “thâm niên” nợ thuế

Berriver Long Biên do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco 9) làm chủ đầu tư là một trong những dự án được chú ý ở khu vực phía đông Hà Nội.

leftcenterrightdel
Phối cảnh dự án. Ảnh: internet. 

Berriver Long Biên gồm 5 tòa No1, Berriver No2, No3, Berriver No4 và Berriver No5. Dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng tòa NO3 từ năm 2015 và tòa NO1 đi vào hoạt động cuối năm 2019. BerRiver Jardin thuộc Berriver Long Biên mới được đưa vào thương mại.

Tuy nhiên, trước đó, dự án này đã dính nhiều lùm xùm. Trong đó, nổi bật nhất là gây sụt lún nhà dân trong quá trình thi công.

Cụ thể, ngày 9/9/2020, UBND phường Bồ Đề nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân về việc công trình dự án của Hanco 9 thi công gây ảnh hưởng, sụt lún các công trình xung quanh dự án.

Ngày 21/10/2020, UBND quận Long Biên đã ra Quyết định số 196/QĐ- XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Hanco 9 với số tiền 25 triệu đồng.

Quyết định xử phạt của UBND quận Long Biên nêu rõ, Hanco 9 đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận.

Chủ đầu tư được yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công xây dựng tại tòa NO4, NO5; thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với với bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Dù có Quyết định xử phạt, đình chỉ thi công, nhưng theo nhiều hộ dân sống tại ngõ 390 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), đến đầu năm 2021, dự án vẫn xảy ra nhiều sai phạm.

Không chỉ có vậy, chủ đầu tư Hanco 9 còn có “thâm niên” nợ thuế. Trong danh sách doanh nghiệp chây ỳ thuế năm 2015, Cục thuế Hà Nội “bêu tên” Hanco 9 với số nợ lên đến 99,7 tỷ đồng tại Dự án Beriver Long Biên.

Trước đó, trong năm 2014, Hanco 9 cũng có mặt trong danh sách doanh nghiệp chây ỳ thuế, với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, công ty vẫn chưa trả hết nợ thuế.

“Thâm niên” âm vốn chủ sở hữu

Không chỉ có “thâm niên” nợ thuế, Hanco 9 còn có chuỗi năm dài âm vốn chủ sở hữu liên tục.

Hanco 9 thành lập ngày 1/8/2005. Sau thời gian rất dài hoạt động, Hanco 9 đã tích luỹ cho mình khoản thua lỗ khổng lồ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, năm 2016, Hanco 9 nối dài chuỗi ngày thua lỗ với số lỗ lên đến 33,4 tỷ đồng khi doanh thu ở mức rất thấp chỉ 2,8 tỷ đồng. Điều đó khiến công ty gánh khoản âm vốn chủ sở hữu tới 33,3 tỷ đồng tại ngày 31/12/2016.

Đáng chú ý, dù thua lỗ và âm vốn nhưng tổng tài sản công ty lại rất cao, lên đến 1.899 tỷ đồng, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Điều đó có nghĩa Hanco 9 gánh nợ nần chồng chất với nợ phải trả đạt tới 1.932 tỷ đồng.

Bước sang năm 2017, Hanco 9 ghi nhận doanh thu tăng vọt, tăng 717 tỷ đồng, tương đương… 23.900% lên 720 tỷ đồng nhưng Hanco 9 vẫn không tránh được một kết cục thua lỗ. Năm 2017, công ty với lỗ 21,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hanco 9 chỉ còn âm vốn chủ sở hữu 8,2 tỷ đồng.

Tình trạng bấp bênh của Hanco 9 được thể hiện rõ nét khi sang năm 2018, doanh thu công ty “rơi tự do” xuống chỉ còn 4,9 tỷ đồng. Kết quả là Hanco 9 lỗ 13 tỷ đồng. Nhưng một lần nữa, âm vốn chủ sở hữu của công ty giảm xuống chỉ còn 4,2 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu của Hanco 9 tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt 12 tỷ đồng, khiến công ty thua lỗ 4 tỷ đồng và âm vốn 8,2 tỷ đồng.

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công nền kinh tế, Hanco 9 lại bất ngờ khởi sắc khi doanh thu tăng vọt lên 760 tỷ đồng. Nhờ đó, Hanco 9 lần đầu tiên đạt lợi nhuận trong giai đoạn 2016-2020.

Với khoản lãi 124 tỷ đồng, Hanco 9 đã xoá được tình trạng âm vốn. Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu công ty tăng lên 116 tỷ đồng.

Nguồn
Link bài gốc