Gateway Hà Nội: Vừa thành lập, vừa vốn nhỏ hơn giá trị thương vụ thâu tóm toà nhà Bamboo Airways Cầu Giấy
Trên thị trường tài chính, giờ đây, ngoài một số tin đồn “long trời lở đất” thì Gateway Hà Nội là một trong những cái tên được chú ý nhất. Gateway Hà Nội trở thành tâm điểm vì vừa thâu tóm thành công toà nhà Bamboo Airways 265 Cầu Giấy từ tay “mẹ con” FLC và FLC Homes với giá 2.000 tỷ đồng.
Khi sâu vào tìm hiểu thì em thấy có nhiều điều lạ lạ ở đây. Cái lạ thứ nhất chính là “thân thế” của Gateway Hà Nội.
Gateway Hà Nội có tên đầy đủ là Công ty cổ phần Gateway Hà Nội. Công ty này thành lập ngày 2/8/2022. Nghĩa là Gateway Hà Nội mới có mặt trên thị trường không lâu nhưng đã thực hiện thương vụ khủng.
Cái lạ thứ hai chính là vốn điều lệ của Công ty cổ phần Gateway Hà Nội chỉ là 345 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với giá trị thương vụ thâu tóm toà nhà Bamboo Airways 265 Cầu Giấy. Công ty phải chi ra 2.000 tỷ đồng để làm chủ nhân mới của toà nhà “nhiều tâm sự” này.
Lấy hết cả vốn của “mẹ”, Gateway Hà Nội cũng không đủ cho thương vụ
Với việc mới thành lập và có vốn điều lệ 345 tỷ đồng, Gateway Hà Nội chưa thể tích luỹ đủ lợi nhuận chưa phân phối. Vì vậy, chắc chắn, 2.000 tỷ đồng là con số quá lớn so với “mẹ” Gateway Hà Nội.
“Mẹ” của Gateway Hà Nội là Công ty cổ phần đầu tư Bình An House vì Bình An House sở hữu tới 99% vốn điều lệ Gateway Hà Nội.
Công ty Bình An House thành lập ngày 9/10/2014 tại thửa đất số 38, tờ bản đồ DC 8.4, Khu sản xuất Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Trước đây, có lẽ ngành nghề chính của công ty không phải bất động sản mà là cà phê. Ở thời điểm thành lập, Bình An House có tên là Công ty cổ phần Cà phê Phương Đông. Sau này, khi đổi lĩnh vực hoạt động, công ty có người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Hải.
Dù bước vào lĩnh vực “hot” nhưng trong nhiều năm, Bình An House chỉ ghi nhận doanh thu vài trăm triệu đồng. Phải tới 2020 khi vốn điều lệ vọt lên 300 tỷ đồng, Bình An House mới đạt 2,8 tỷ đồng doanh thu. Năm 2020, công ty ghi nhận lợi nhuận 16 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất tại Bình An House chính là nợ tăng rất mạnh và vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của công ty lên đến 2.027 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 62,5% tổng nguồn vốn.
Hệ sinh thái vốn trăm tỷ, 3 nhân sự của ông Đào Duy Hải
Ngoài việc là người đại diện pháp luật của Bình An House, ông Hải còn có mặt tại Công ty cổ phần Gateway Thủ Thiêm, công ty cổ phần đầu tư bất động sản Long Thành Phát, công ty cổ phần đầu tư phát triển Thịnh Thịnh Vượng, công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn và công ty TNHH MTV Dịch vụ dầu khí Sài Gòn Du lịch.
Công ty cổ phần Gateway Thủ Thiêm thành lập ngày 30/12/2020. Công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng nhưng ngạc nhiên ở chỗ trước năm 2021, công ty được xác định chỉ có… 2 nhân sự.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thịnh Thịnh Vượng thành lập năm 2019 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Ông Đào Duy Hải không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập. Mới tới ngày 30/11/2020, ông Hải mới gia nhập Thịnh Thịnh Vượng sau khi thay ông Huỳnh Anh Tuấn để trở thành Tổng giám đốc công ty. Và cũng như Gateway Thủ Thiêm, dù có vốn trăm tỷ đồng nhưng Thịnh Thịnh Vượng chỉ có 3 lao động.
Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn thành lập năm 2006 nhưng tới ngày 13/11/2021, ông Đào Duy Hải mới trở thành người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty. Không đến mức có lực lượng lao động “siêu khiêm tốn” như Gateway Thủ Thiêm hay Thịnh Thịnh Vượng nhưng Dịch vụ dầu khí Sài Gòn cũng có chỉ 18 người.
À đấy, lan man quá, em đặt ra câu hỏi là công ty Gateway Hà Nội có vốn thấp hơn nhiều so với giá trị thương vụ thâu tóm toà nhà 265 Cầu Giấy. Vậy Gateway Hà Nội lấy tiền đâu ra để hoàn thành thương vụ?
Câu trả lời đơn giản lắm. Là đi vay ngân hàng. Dạ thưa, vay OCB ạ. Mà tài sản thế chấp là tài sản có liên quan đến FLC. Có nhẽ nào lại chính là toà nhà không nhỉ?
Hà Anh