Thanh Long Bay “bán chui”

Nam Group là một trong những thế lực đang lên của làng bất động sản. Tập đoàn thậm chí còn đặt ra mục tiêu lọt Top các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam. Có ai cấm giấc mơ đâu nhưng kể ra mơ có cơ sở thì sẽ thích hơn ấy nhỉ.

Chứ nhìn vào thực lực của Nam Group bây giờ, thật khó hình dung công ty có thể lột xác. Lột xác kiểu gì khi mà liền hoàn lỗ.

Công ty cổ phần đầu tư Nam Group (Tập đoàn Nam Group) thành lập năm 2015 tại 135 - 137 Nguyễn Thị Thập, Phường Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Đơn vị gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân sinh năm 1978 – Lê Minh Trí. Ông Trí được giới thiệu là có 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản.

Ngoài chức vụ tại Nam Group, ông Lê Minh Trí còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu Tư Hồng Phúc Land, Công ty cổ phần tiếp thị và quản lý bất động sản Sài Gòn Phương Nam và Công ty cổ phần Trung Sơn Bắc.

Trong đó, công ty Trung Sơn Bắc là chủ đầu tư Thanh Long Bay, dự án đã bị chỉ ra nhiều sai phạm. Tại Thanh Long Bay, Nam Group đóng vai trò nhà phát triển.

Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận công bố dự án Thanh Long Bay chưa nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở lâu dài nên chưa đủ thủ tục để bán sản phẩm nhà, căn hộ, biệt thự gắn với quyền sử dụng đất ở lâu dài theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở.

Không chỉ có vậy, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt hành chính công ty Trung Sơn Bắc số tiền 17,5 triệu đồng do đã khởi công xây dựng công trình nhà phố liền kề tại dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Thanh Long Bay mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công công trình đã được phê duyệt.

Lỗ thảm liên tục, thuế thu nhập doanh nghiệp 0 đồng

Nam Group có mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quy mô vốn của Nam Group vẫn còn khoảng cách rất xa với Top đầu.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Nam Group vẫn chỉ là 420 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, bất chấp các dự án của Tập đoàn được mở bán liên tục, Nam Group vẫn miệt mài ghi nhận doanh thu 0 đồng. Kết quả là trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), Nam Group liên tục thua lỗ.

Cụ thể, các khoản lỗ của Tập đoàn lần lượt là 223 triệu đồng (năm 2017), 19,3 tỷ đồng (năm 2018), 16,6 tỷ đồng (năm 2019), 19,6 tỷ đồng (năm 2020). Tới ngày 31/12/2020, công ty gánh lỗ lũy kế lên đến 43,9 tỷ đồng.

Sang năm 2021, Nam Group vẫn duy trì “trend” doanh thu 0 đồng. Nhưng lần này, công ty đã lập kỷ lục về thua lỗ với con số 30,1 tỷ đồng. Như vậy, hồi cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Nam Group lên đến 74 tỷ đồng.

Nhưng cần phải biết nhá, lỗ không chỉ là chuyện của doanh nghiệp, của cổ đông. Lỗ là chuyện của... ngành thuế nữa. Nam Group cứ lỗ liên tục thế này thì Cục thuế TP.HCM đừng có mà mơ thu được đồng nào thuế thu nhập doanh nghiệp của Nam Group nhá.

À, quên không kể vụ này, có vẻ như Nam Group thích đầu tư vào công ty con, công ty liên kết hơn là “tự làm tự ăn”. Hồi cuối năm 2020, công ty đã chi tới 691 tỷ đồng để đầu tư tài chính dài hạn.

Nhưng có vẻ như các công ty con, công ty liên kết chưa thực sự hiệu quả khi mà doanh thu tài chính của Nam Group rất “cò con”, chỉ đạt 16,7 triệu đồng trong năm 2020 và 313 triệu đồng trong năm 2019.

Nguồn
Link bài gốc