Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Điểm đáng chú ý là đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.
Dù dự thảo đang được lấy ý kiến, nhưng nhiều người đang có ý định mua nhà ở xã hội đã tỏ ra lo lắng. Bởi, việc loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất ở khối ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho những người thu nhập thấp.
Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ "tước bỏ" chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Bởi theo Chủ tịch HoREA, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014.
"Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là theo quy định của Luật Nhà ở. Nhưng, Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 thì nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội", ông Châu nhấn mạnh.
|
|
Một khu nhà ở xã hội ở huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: M.K |
Cũng theo ông Châu, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít.
Trong khi đó, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Về thời hạn cho vay ưu đãi, trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Và mới đây, Nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Bên cạnh đó, HoREA thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về việc bổ sung quy định: "Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay".
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến khoảng tháng 4/2021, trên địa bàn cả nước đã có 513 dự án nhà ở xã hội, với số lượng 16.160.000 m2 sàn. Trong đó đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 m2 sàn, đạt tỷ lệ 42% so với kế hoạch. 264 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000m2 sàn nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn tới mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là do một số tồn tại, vướng mắc.
Cá biệt như, tình trạng thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020); Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội; Chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội. |