Chưa được phép chuyển nhượng
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết cơ quan này chưa nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Phát triển Địa ốc An Lạc Việt Land (Công ty An Lạc Việt Land) về việc đề nghị kiểm tra hạ tầng án Khu nhà ở Thăng Long 2 để thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Thăng Long 2 được huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định.
Theo quy định, để đáp ứng điều kiện huy động vốn, chủ đầu tư phải xóa thế chấp tài sản ở ngân hàng và phải thi công hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội.
An Lạc Việt Land khiến giới đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn khi nhiều dự án trên cùng khu đất mang thương hiệu Thăng Long như Thăng Long Residence 2 và Thăng Long Central City được rao bán liên tục trên mạng xã hội.
Thăng Long Residence 2 giá từ 11 triệu đồng/m2. Như vậy, khách hàng chỉ cần chi khoảng 700 triệu đồng là có thể sở hữu được 1 căn hộ tại dự án này. Còn với cái tên Thăng Long Central City, giá được giới thiệu là từ 11 triệu đồng tới 15 triệu đồng/m2.
Ngoài ra hiện tại, Công ty Cổ phần Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Thanh Phát chào bán dự án với cái tên Thăng Long Luxury. Tuy nhiên, Thăng Long Luxury được giới thiệu là phân khu nhà phố xây sẵn thuộc dự án Thăng Long Central City Bàu Bàng. Dự án mở bán giai đoạn 1 với số lượng 250 sản phẩm nhà phố thương mại xây sẵn. Giá một căn nhà phố là từ 3 tỷ đồng trở lên.
Chủ đầu tư “xác sống”
Công ty An Lạc Việt Land, chủ đầu tư dự án Thăng Long 2 thành lập ngày 10/6/2019 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: ông Lê Văn Khôi (sở hữu 30% vốn công ty, tương ứng 60 tỷ đồng), ông Đinh Thanh Tuấn (đóng góp 50 tỷ đồng tương đương 25% vốn), ông Lê Đặng Hoàng (đóng góp 40 tỷ đồng, tương đương 20% vốn), Từ Đức Tú Anh (sở hữu 25% vốn, tương đương 50 tỷ đồng).
Ông Lê Văn Khôi là người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.
Tuy nhiên, tới ngày 22/2/2021, cơ cấu cổ đông có thay đổi lớn. Ông Lê Đặng Hoàng hoàn toàn rút khỏi công ty. Các cổ đông còn lại tăng tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, ông Lê Văn Khôi trở thành cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 34% vốn công ty. Hai cổ đông còn lại là ông Đinh Thanh Tuấn và Từ Đức Tú Anh cùng sở hữu 33% vốn công ty.
Ngoài An Lạc Việt Land, ông Lê Văn Khôi còn là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Xây dựng phát triển địa ốc Đất Vàng Group và Công ty TNHNN Đầu tư Xây dựng và Phát triển Địa ốc An Phát Group.
Dù có số vốn khá lớn 200 tỷ đồng nhưng sau 2 năm hoạt động, An Lạc Việt Land vẫn là công ty “xác sống” khi không phát sinh bất cứ đồng doanh thu nào. Trong năm 2019 và 2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của An Lạc Việt Land chỉ là 0 đồng.
Không phát sinh doanh thu còn chi phí thì rất thấp nên năm 2019 và 2020, Công ty An Lạc Việt Land gánh thua lỗ nhưng thua lỗ rất khiêm tốn, chỉ là 6 triệu đồng và 8,6 triệu đồng.
Sự “bất động” của An Lạc Việt Land còn thể hiện ở chỗ sau 2 năm hoạt động, công ty không hề phát sinh nợ vay. Vì vậy, giá trị vốn chủ sở hữu tương đương tổng tài sản, chỉ khoảng 200 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ.