Mặc dù vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, lợi nhuận khiêm tốn nhưng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho các "dự án ma" liên quan đến Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2099 BC-TTCP ngày 2/12/2020 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi bắt tay cùng Công ty Việt Hân nhiều lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, “phù phép" hàng nghìn mét vuông đất công, có vị trí đắc địa tại TP.HCM thành đất tư để trục lợi.
Theo thông tin trên diễn đàn doanh nghiệp:
Từ việc SCB lợi nhuận khiêm tốn vẫn giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho dự án “ma”, nhiều người đặt ra câu hỏi là có hay không thỏa thuận ngầm nào đó giữa SCB và Công ty Việt Hân Sài Gòn? Tại sao khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì SCB thu hồi ngay được cả gốc và lãi của khoản vay Công ty Việt Hân Sài Gòn? Liệu SCB có lợi dụng việc này để khống chế lãi trong hoạt động kinh doanh?...
Tìm hiểu trên Đầu tư Việt Nam được biết: Đối với ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện dự án là hoạt động cơ bản của ngân hàng, đem lại nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Ngược lại, doanh nghiệp mang dự án đi thế chấp tại các ngân hàng để lấy tiền triển khai dự án đầu tư là nhu cầu thiết yếu trong hoạt động đầu tư kinh doanh và lâu nay vẫn thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án tính không đúng không đủ dẫn đến không sinh ra lợi nhuận gây thua lỗ và không có dòng tiền để trả lại cho ngân hàng khiến nguy cơ về nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng gây ra tổn thất về tài chính nghiêm trọng, hơn nữa có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí là phá sản ngân hàng gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Do đó, pháp luật đã quy định rất rõ ràng về hoạt động này.
Cụ thể, Điều 147, Luật Nhà ở 2014 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Bên cạnh đó, Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.
Tuy nhiên, theo quy định Luật nhà ở 2014 và Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện: Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện trên, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp…
Cũng theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi thực hiện giao dịch chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ thế chấp để vay vốn tại tổ chức tín dụng bao gồm các giấy tờ sau: Hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt; Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản gốc); Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật; Các giấy tờ khác (nếu có)…
Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng như Luật tổ chức tín dụng 2010, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn… nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như từng của từng tổ chức tín dụng.
Như vậy, có thể thấy về mặt pháp luật đã có các quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng dự án của các ngân hàng thương mại đối với các chủ đầu tư là rất rõ ràng và chặt chẽ bao gồm các quy định điều kiện thế chấp, trình tự thủ tục, hồ sơ cho vay.
Nguồn: Nguyệt Tú