Đảo Tuần Châu “về tay” Viva Land

Thành lập năm 2019 nhưng “tân binh” của làng bất động sản liên tục gây “chấn động” bởi những thương vụ thâu tóm khủng. Đặc biệt, nửa đầu năm 2022, Viva Land liên tục xuất hiện trong các dự án lớn.

Giữa tháng 6/2022, Viva Land bị nghi là thâu tóm dự án cũ của Tập đoàn FLC ở Hải Phòng. Hồi đầu năm 2022, khiến dư luận xôn xao khi rót 550 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng) để mua lại phần vốn vốn tại Capital Place ở Hà Nội.

Không chỉ “mua sắm” trong nước, Viva Land còn bạo chi ở nước ngoài. Nửa đầu năm nay, Viva Land cũng gây “sốt” vì chi 240 triệu SGD (gần 4.000 tỷ đồng)mua lại khách sạn SO/ Singapore – toạ lạc tại góc đường Robinson Rd và Boon Tan St.

Gần đây nhất, cái tên Viva Land lại gây ồn ào với siêu dự án Đảo Tuần Châu của chúa đảo Đào Hồng Tuyển.

Cụ thể, đầu tháng 7/2022, dư luận xôn xao trước tin đồn Đảo Tuần Châu đổi chủ. “Chủ mới” của dự án là “tay chơi mới nổi” Viva Land. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có thông tin nào cho thấy Viva Land là chủ nhân thực sự của dự án. Với Đảo Tuần Châu, Viva Land xác nhận mình là “quản lý”.

Sở dĩ thông tin này nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận cũng như giới đầu tư bất động sản bởi Đảo Tuần Châu là một dự án vô cùng đặc biệt.

Đảo Tuần Châu xuất hiện khi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam chưa được định hình. Bằng cách làm bị đánh giá là “điên rồ”: lấp biển, mở đường ra đảo, ông Đào Hồng Tuyển trở thành một trong những doanh nhân được chú ý nhất Việt Nam. Ông được truyền thông gọi là “chúa đảo”.

Thời gian đầu, Đảo Tuần Châu trở thành hiện tượng du lịch nên dự án rất ăn nên làm ra. Tuy nhiên, sau này, khi ngày càng nhiều ông lớn bất động sản lựa chọn phân khúc này, cạnh tranh trở nên khốc liệt, Đảo Tuần Châu mất dần chỗ đứng. Trong mùa cao điểm dự án, các khu vui chơi của Đảo Tuần Châu khá vắng khách.

Bên cạnh du lịch, mảng nghỉ dưỡng của Tuần Châu cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của rất nhiều đối thủ mới.

Tập đoàn Tuần Châu lỗ kỷ lục

Trước khi Đảo Tuần Châu được Viva Land đưa vào danh sách các dự án của mình, Tập đoàn Tuần Châu(Công ty TNHN Âu Lạc Tuần Châu) đã trải qua chuỗi năm dài khó khăn. Thậm chí, năm 2020, con số thua lỗ của Tập đoàn đã vượt mốc trăm tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016, Tập đoàn Tuần Châu đạt doanh thu 544 tỷ đồng. Nguồn thu cao nhưng lợi nhuận rất khiêm tốn, chỉ là 1,6 tỷ đồng. Nhưng dù sao, đây vẫn là con số lạc quan nhất của Tập đoàn trong thời gian này vì sau đó, dù có thời điểm lập kỷ lục doanh thu nhưng Tập đoàn vẫn thua lỗ thảm.

2017 là năm Tập đoàn Tuần Châu lập kỷ lục về doanh thu nhưng đó cũng là năm đầu trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận thua lỗ với khoản lỗ 11 tỷ đồng.

Sau đó, Tập đoàn liên tục trồi sụt doanh thu, còn lợi nhuận theo một xu hướng duy nhất: ngày càng tăng. Trong các năm 2018, 2019 và 2020, doanh thu lần lượt đạt 275 tỷ đồng, 739 tỷ đồng và 174 tỷ đồng; thua lỗ tăng dần đều từ 37,5 tỷ đồng lên 57,7 tỷ đồng và lập kỷ lục 101 tỷ đồng vào năm 2020.

Không chỉ thua lỗ, Tập đoàn Tuần Châu còn rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất.

Năm 2020, vốn chủ sở hữu Tập đoàn Tuần Châu tăng mạnh, tăng 1.710 tỷ đồng, tương đương 167% lên 2.731 tỷ đồng. Dù vốn được “thổi” nhưng nợ tại Tuần Châu vẫn rất cao, lên đến 1.512 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), 2020 là năm nợ tại Tuần Châu thấp nhất. Hồi cuối năm 2016, 2017, 2018 và 2019, nợ phải trả lên đến 2.231 tỷ đồng, 2.418 tỷ đồng, 2.990 tỷ đồng và 2.432 tỷ đồng.

Để có thể vay được vốn ngân hàng, Tập đoàn Tuần Châu đã phải thế chấp nhiều tài sản từ ô tô Mercedes-Benz đến ““Toàn bộ lợi ích bao gồm các khoản lợi thu được trong quá trình đầu tư từ Giá trị khai thác Dự án Khu biệt thự Moring Star và Khu biệt thự Hoàng Long tại Phường Tuần Châu”.

Hà Anh

Nguồn
Link bài gốc