Quy định chủ sở hữu chung cư phải đóng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã được nhắc tới ở các văn bản Luật như Nghị định 130/2006, Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính... Nghị định 23/2018 là văn bản mới nhất thay thế sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung.
Tuy nhiên, với việc không có quy định phải đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các tài sản đảm bảo thuộc các khoản cho vay của khách hàng, nhà băng không thể ép khách mua bảo hiểm cháy nổ. Đây phải là sự thoả thuận giữa ngân hàng và khách. Cần tránh tình trạng nhân viên ngân hàng "mượn" quy định của Chính phủ rồi nhập nhằng, nhằm gây khó dễ với người dân để bán thêm sản phẩm.
Bên cạnh đó, phải tách bạch giữa nghĩa vụ đóng bảo hiểm của chủ sở hữu với trách nhiệm của ngân hàng, hoặc cần làm rõ nghĩa vụ đóng bảo hiểm của chủ sở hữu căn hộ có phải là điều kiện để được hưởng quyền lợi hay tham gia các giao dịch với ngân hàng hay không.
Bảo hiểm cháy nổ chung cư là sản phẩm bảo vệ tài sản của cư dân khỏi những mất mát và hư hại khi xảy ra cháy, nổ. Quyền lợi của cư dân khi tham gia bảo hiểm cháy nổ chung cư là sẽ được chi trả những chi phí liên quan đến tổn thất căn hộ trong phạm vi bảo hiểm đề cập.
Theo Thông tư liên tịch số 214/2013 do Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ Tài chính ban hành, nhà chung cư cao từ 5 tầng hoặc có khối tích từ 5.000 m2 trở lên bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư. Chung cư là nơi tập trung đông cư dân, khối lượng vật tư thiết bị, chất dễ cháy nổ (điện, ga...) nhiều hơn nhà đơn lẻ. Chưa kể nhiều tòa chung cư không được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn, nhiều trường hợp thiết bị không hoạt động khi xảy ra sự cố, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của.