1. Chốt lời chứng khoán chuyển qua BĐS.
Khoảng 1 năm vừa rồi là khoảng thời gian chứng khoán tăng giá nhiều nhất trong nhiều năm. Tháng 1/2020 chỉ số VNIndex khoảng 900 điểm và tháng 5/2021 lên hơn 1,400 điểm. Có nhiều mã cổ phiếu tăng 50 – 100%, thậm chí hơn. Có được mức lợi nhuận khủng đó, nhiều người đã chốt lời và rút vốn và đầu tư vào BĐS. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao có nhiều người chốt lời rút mà chứng khoán vẫn tăng? Đây là điều hết sức bình thường vì có người đi, có người ở lại, người này rút thì lại có người tham gia vào. Bất kỳ thị trường nào khi sốt, tăng trưởng tốt thì sẽ có nhiều người nhảy vào cuộc chơi. Chứng khoán, BĐS, hàng hóa… đều không tránh khỏi quy luật này. Bằng chứng là thời gian qua rất nhiều người tôi quen biết đã mở tài khoản chứng khoán hoặc lần đầu mua cổ phiếu. Mỗi lần đất sốt là người người làm về BĐS, nông dân cò, giáo viên cò, quan chức cũng cò; Mỗi lần gian thương TQ thổi phồng một thứ gì đó để mua bán bậy bạ là người dân vùng đó đổ xô đi buôn, đi làm lái… Thường thì lúc này những kẻ tay mơ sẽ chết sặc sụa, những kẻ dàn dựng cuộc chơi sẽ đứng ngoài đạo diễn, tung hứng, chờ mọi thứ lên đến đỉnh sẽ chốt lời và lặng lẽ rút. Warent Buffet từng nói “Khi người ta tham lam thì mình hãy sợ hãi, khi người ta sợ hãi thì mình tham lam”. Lúc này đây người người nhà nhà lao vào chứng khoán và bỏ bê BĐS. Những nhà đầu tư lão làng họ tỉnh táo hơn và làm ngược lại, đó là âm thầm rút khỏi chứng khoán và âm thầm gom BĐS giá rẻ (tất nhiên là không phải tất cả các NĐT đều làm vậy).
2. Nhiều người cắt lỗ, người có tiền nhàn rỗi vào hớt đáy
Đối với những người đầu tư BĐS bằng tiền nhàn rỗi hoặc vay ít thì không sao, họ vẫn ung dung thư giãn. Nhưng những người sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, ôm nhiều BĐS vào thời điểm sốt nóng vào cuối năm ngoái, đầu năm nay thì đang thật sự ngấm đòn. Thu nhập giảm sút, dòng tiền bị đứt do dịch bệnh lại thêm khoản lãi suất lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng làm họ thật sự bối rối và stress nặng. Cắt lỗ để nhẹ đầu còn hơn ôm một khoản nợ khổng lồ để cái đầu quay cuồng và sụp đổ một cách “có hệ thống”.
Nỗi đau của người này lại là cơ may của người khác. Những người có sẵn tiền, tiềm lực mạnh lại tranh thủ gom “hàng ngon” trong thời điểm này để chờ làn sóng đầu tư sau dịch. Người thì đẻ ra nhưng đất thì không đẻ thêm, chứng khoán họ có thể phát hành thêm, đất thì không bồi thêm được. Nhiều người có tâm lý như vậy.
3. Tiền được bơm chảy nhầm kênh
Lợi dụng dịch bệnh, một số hạng mục được duyệt mua sắm khẩn cấp không cần đấu thầu; nhiều gói hỗ trợ được bơm ra. Trong số đó có một lượng lớn nó chảy loanh quanh rồi không may bị dòng nước xoáy cuốn nhầm vào túi ải, túi ai. Bằng chứng là rất nhiều con chuột bự bị lôi ra khỏi hang trong thời gian vừa qua, rất nhiều người không may “bị trợ cấp nhầm” đã bị báo chí khui liên tục, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khoản tiền này không có kênh nào ẩn náu an toàn và hiệu quả bằng kênh BĐS.
4. Lãi suất ngân hàng giảm
Lãi suất huy động trong thời gian vừa qua có xu hướng giảm, sự bất ổn và bất định của dịch bệnh cũng làm cho nhiều người có tiền gửi ngân hàng cảm thấy hoang mang. Khi rút tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng người dân thường có 3 kênh đầu tư gồm vàng, chứng khoán và BĐS. 2 kênh đầu có đặc điểm chung là tính thanh khoản cao; Vàng thì tỷ suất lợi nhuận thường thấp hơn 2 kênh còn lại; Chứng khoán năm vừa rồi lợi nhuận cao nhưng đây là lĩnh vực đầu tư không phải ai cũng tham gia được, đặc biệt là những người không có kiến thức kinh tế tốt. Chưa kể tâm lý của một số lượng lớn những người có tiền gửi ngân hàng vẫn là “lỡ công ty đó nó phá sản thì chứng khoán trở thành tờ giấy lộn ạ?”. Đúng như bản chất của nó, chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và người chơi chứng khoán cũng phải có vài “điều kiện” nhất định; BĐS là kênh yên tâm hơn cả, nếu quy hoạch ổn thì gần như không rủi ro, tỷ suất lợi nhuận không thua kém hoặc hơn chứng khoán. Nhược điểm của nó là tính thanh khoản kém, với những người đầu tư bằng tiền nhàn rỗi thì tính thanh khoản không phải là vấn đề quan trọng.
5. Vớ bẫm và chán nản
Nhiều người kinh doanh không có lời, thậm chí càng bán càng lỗ, nản quá, đóng cửa cty mang tiền đầu tư BĐS vì sợ nếu KD tiếp sẽ mất trắng. Bạn tôi kinh doanh lĩnh vực bao bì thùng carton nói rằng “Giờ càng bán càng lỗ, đã vậy còn tốn kém chi phí nuôi quân, rủi ro cao về dịch bệnh và thu hồi công nợ. Chính vì vậy anh cho lính nghỉ hết, bán tháo hết hàng lấy tiền mua mấy lô đất cắm đó chắc ăn”. Tất nhiên là tôi không đồng ý với cách làm ăn này và không có hứng thú chơi tiếp với anh bạn này. Lúc người lao động cần anh ta nhất thì anh chỉ lo thủ cho mình, lúc khách hàng cần anh ta nhất thì anh ấy phủi tay.
Bên cạnh những người “chán kinh doanh” như trên cũng có một vài lĩnh vực vớ bẩm trong đợt dịch vừa qua. Đó có thể đó là dược phẩm, y tế và thực phẩm. Anh bạn của tôi kinh doanh ngành dược phẩm quy mô nhiều trăm tỷ. Đầu tháng 7 anh khoe hết tháng 6 công ty của anh đã hoàn thành 188% chỉ tiêu doanh số và 162% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Cty anh đã rút phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào BĐS và chứng khoán, thay vào đó là tăng cường vốn vay vì lãi suất đang rẻ.
Tác giả: Mai Quốc Bình