Cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi nghĩ Tết Nguyên Đán là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, không thể xem nó như “kém hiệu quả về mặt kinh tế” hay “kém văn mình” được. Đó là dịp đoàn viên, thực hành đời sống tâm linh và là dịp để mỗi người nhìn nhận lại một năm đã qua.

Về mặt kinh tế thì tôi nghĩ Tết Nguyên Đán không hề “có hại” hay “kìm hãm kinh tế” như một số người vẫn lập luận. Trái lại, dịp nghỉ này là quả bóng kích cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam nên là nơi dung hòa văn hóa Đông - Tây thay vì lựa chọn và bài trừ như một số người đã nêu.

Còn với những ý kiến cho rằng chúng ta nên làm theo Nhật Bản, bãi bỏ hoàn toàn Tết Nguyên Đán thì hãy lời chia sẻ của ông Hideo Suzuki trong một buổi phỏng vấn hồi năm 2014:

"Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó. Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện ‘chúng ta là ai?’".

Hơn nữa, cũng phải nói thêm là tuy các nước phương Tây không có dịp nghĩ lễ Tết Nguyên Đán nhưng họ lại có các dịp nghỉ lễ khác như Kì nghỉ Đông, lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, v.v mà họ vẫn có thể phát triển kinh tế vượt bậc.

Vì lẽ đó, tôi cho rằng việc bỏ đi kì nghỉ Tết Nguyên Đán vì hiệu quả kinh tế là không hợp lý. Ai dám chắc rằng nếu ăn gộp Tết thì kinh tế sẽ phát triển hơn trước? Đòi bỏ Tết Nguyên đán, không chỉ là bỏ đi văn hoá cổ truyền, mà đang cho thấy một số người trong chúng ta quá chú trọng đến "cần cù bù thông minh".

Các bác nghĩ sao về vấn đề này? Liệu chúng ta có nên gộp Tết tây và Tết ta hay không?

 
Nguồn Ngô Gia Huy
Link bài gốc