Thời gian gần đây, trái thù lù được bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây đặc sản Việt Nam với giá từ 300 - 400 nghìn đồng một kg. Tuy giá cả rất đắt đỏ nhưng loại quả này đang được rất nhiều người trẻ tìm mua.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Vậy thù lù là cây gì? Vì sao lại đắt đỏ tới vậy? Và loại cây này có tác dụng gì có sức khỏe ra sao? Dưới đây là lời giải đáp từ chuyên gia.

Ths. Lương Y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho hay, quả cây thù lù ở Việt Nam còn gọi với tên khác là tầm bóp, cây lồng đèn. Cây tầm bóp mọc dại ở nhiều nơi, có nhiều ở vùng Thái Nguyên, Phú Thọ… Quả và cây tầm bóp đều có thể chế biến thành món ăn bổ dưỡng và có tác dụng an thần.

Trong dân gian thường sử dụng loại quả và rau tầm bóp như là món ăn bổ sung dưỡng chất và chất xơ. Vị lương y này cũng cho biết thêm trong y học cổ truyền và Đông y thì quả và cây tầm bóp không được sử dụng làm thuốc.

"Gần đây tôi thấy quả cây tầm bóp được bán với giá rất cao 200-400.000 nghìn đồng/kg. Nhiều thông tin chia sẻ quả cây tầm bóp là vị thuốc quý và chữa được nhiều bệnh thì hơi quá.

Theo tôi quả cây tầm bóp chỉ dừng lại là một loại quả ăn được (không độc), chứ nó không được dùng làm thuốc", Lương Y Vũ Quốc Trung nói.
leftcenterrightdel
 Thù lù đực bên phải, tầm bóp bên trái (ảnh minh hoạ)

Còn theo Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Ba Đình, cây thù lù còn có tên gọi khác là cây tầm bóp là một loại cây mọc dại ở nhiều nơi. Việc dùng quả, thân, lá cây tầm bóp chữa bệnh chủ yếu là theo kinh nghiệm dân gian ở từng địa phương.

Vị Lương y này cũng khuyến cáo thêm, người dân khi sử dụng tầm bóp cần phải phân biệt với cây thù lù đực hay còn gọi là lu lu. Vì loại thù lù đực có độc nhưng có đặc điểm gần giống với cây tầm bóp (thù lù).

"Thù lù đực và cây thù lù (tầm bóp) có chung tên gọi cho nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn và nghĩ nó là một. Tầm bóp có thân cây to hơn, mập hơn thù lù đực. Quả của cây thù lù đực hình cầu màu đen lộ ra ngoài, quả của cây bóp ẩn bên trong một lớp màng mỏng như cái lồng đèn.

Cây thù lù đực mọc dại khắp nơi: ruộng, vườn, hai bên đường. Người ta dùng toàn cây hay chỉ hái lá dùng làm thuốc và thường dùng tươi. Một số nước châu Âu, châu Á dùng cây này làm rau ăn nhưng phải nấu chín và phải đổ bỏ 2-3 nước đầu đi. Tuy nhiên quả của loại cây này không ăn được vì có độc", Lương y Bùi Hồng Minh nói.
Theo Ngọc Minh/Doanh nghiệp & Tiếp thị
Nguồn
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/loai-qua-dai-dang-hot-tai-viet-nam-gia-400000-dong-kg-neu-khong-biet-phan-biet-de-nham-voi-loai-cay-co-doc-161212903175116056.htm