Bài viết được đăng trên Tuổi trẻ Online:
Theo thông tin phản ánh từ bài viết, lúc 22h ngày 19-1, chị L.N.T.Q. (26 tuổi, ngụ quận 7) nhận được một tin nhắn từ hệ thống tin nhắn của Sacombank (SMS Banking) với nội dung: "Phat hien tai khoan cua ban dang nhap khac vung bat thuong, vui long dang nhap http://i-sacombank.com de xac nhan thong tin và thay doi mat khau".
Theo chị Q., do tin nhắn này được gửi từ hệ thống tin nhắn của Sacombank (không phải một đầu số khác), nên chị đã tin tưởng và truy cập vào đường link web đó để đăng nhập tài khoản và mật khẩu của mình.
Sau khi nhập tài khoản và mật khẩu, giao diện web hiển thị tiếp ô cần nhập mã OTP (mã xác nhận giao dịch). Sau đó cũng chính hệ thống SMS Banking của Sacombank gửi tin nhắn cấp mã OTP.
Chị Q. nhập mã OTP vào trang web và nhận được 1 tin nhắn điện thoại cũng từ Sacombank với nội dung thông báo tài khoản đã bị trừ hơn 38 triệu đồng và 1 tin nhắn tiếp nữa thông báo bị trừ phí chuyển khoản nhanh 13.200đ.
"Hốt hoảng, tôi nhanh chóng liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của Sacombank thì được hướng dẫn hôm sau (20-1) liên hệ chi nhánh ngân hàng đã đăng ký mở tài khoản để để truy tài khoản người nhận, phối hợp với phía ngân hàng trình báo cơ quan chức năng" - chị Q. kể.
Chị P.T.T.D (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Trước những thông tin phản ánh, đại diện Sacombank cho biết sau khi rà soát hệ thống Sacombank và hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ viễn thông cho Sacombank, có thể khẳng định những tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ Sacombank.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao đối tượng lừa đảo có thông tin khách hàng có tài khoản tại Sacombank và còn có cả số điện thoại của khách hàng? Liệu tin nhắn mà đối tượng sử dụng có đúng là từ hệ thống tin nhắn của Sacombank? Thiết nghĩ vấn đề này cần làm rõ, nếu đúng như phản ánh của khách hàng thì liệu ngân hàng có thực sự vô can trong trường hợp này.