Với việc ban hành các quy định về tiền gửi tiết kiệm (Thông tư 48/2018/TT-NHNN) và tiền gửi có kỳ hạn (Thông tư 49/2018/TT-NHNN), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề cao tính minh bạch, an toàn cho người gửi tiền. Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận tiền gửi là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như giữ vững được uy tín, thương hiệu. Để đảm bảo an toàn giao dịch, an toàn tiền gửi, không chỉ TCTD mà cả người gửi tiền đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn.
Tại Thông tư 48, NHNN đã đưa ra các quy định cụ thể về đối tượng gửi tiết kiệm, hình thức tiền gửi tiết kiệm, địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm…Theo đó, người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của TCTD và xuất trình giấy tờ xác minh định danh của người gửi tiền/người đại diện theo pháp luật. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao dịch cho cả TCTD và người gửi tiền. Trong khi đó Thông tư 49 nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của pháp nhân, cá nhân là người cư trú và người không cư trú muốn gửi tiền có kỳ hạn khi có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc thu nhập hợp pháp.
Một số thói quen cần tránh khi gửi tiết kiệm
Thực tế, không ít khách hàng khi muốn gửi tiết kiệm đã không trực tiếp đến điểm giao dịch của ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Một số khách hàng khác thì cần sự kín đáo khi giao dịch với ngân hàng và ngần ngại khi phải đến phòng giao dịch để thực hiện nộp tiền hay rút tiền. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, những cách thức giao dịch ngoại lệ này đã tạo điều kiện cho tội phạm, đặc biệt trong những trường hợp mà sự giao tiếp giữa khách hàng và các cán bộ cao cấp của ngân hàng ngày càng gắn bó đến mức độ khách hàng đặt hết niềm tin vào cán bộ ngân hàng. Trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro cho số tiền trong tài khoản của khách hàng. Nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống thì số tiền của khách hàng rất dễ bị chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, một số khách hàng ký sẵn vào chứng từ còn để trống, tạo điều kiện cho nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hậu quả của việc không áp dụng triệt để Thông tư 48 là khách hàng đã mất tiền khi cán bộ nhân viên của TCTD giả mạo chữ ký khách hàng, giả mạo các chứng từ kế toán để biển thủ tiền tiết kiệm. Trong những trường hợp này khách hàng đã mất từ những số tiền nhỏ đến những số tiền lớn lên đến vài trăm tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã được đưa ra tòa án để xử lý.
Ngoài ra, không ít khách hàng giao tiền gửi trước, nhận sổ sau. Cụ thể, các khách hàng đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng thân thiết nên không ít khách gửi tiền chủ quan cho "nợ" sổ tiết kiệm hoặc các giấy tờ chứng nhận tiền gửi, từ đó có thể xảy ra chiếm đoạt tài sản.
Chưa kể, khách hàng mất sổ tiết kiệm nhưng không báo ngay cho ngân hàng, dẫn đến hậu quả dễ bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các giấy tờ tuỳ thân lấy số tiền gửi.
Một lỗi khác mà khách hàng dễ bỏ qua là cho mượn sổ tiết kiệm. Trong nhiều trường hợp người mượn có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản khách hàng. Hoặc có trường hợp khách hàng không kiểm tra các thông tin ghi trên sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, khách hàng thay đổi chữ ký, không bảo mật thông tin cá nhân khi giao dịch gửi tiết kiệm online hoặc click vào các trang web không an toàn, có cài virus, nhấp vào link không rõ nguồn… sẽ dẫn đến hậu quả bị lộ thông tin cá nhân và dễ mất tiền.
Khách hàng cần tuân thủ quy trình, quy định gửi tiết kiệm
Để đảm bảo an toàn tiền gửi, người gửi tiền nên đến các địa điểm hợp pháp của ngân hàng để gửi tiền như các trụ sở, chi nhánh/phòng giao dịch, thậm chí cả điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội. Nói cách khác, khách hàng cần tuân thủ đúng các quy trình, quy định của ngân hàng về an toàn giao dịch gửi tiền tiết kiệm thì không bị rủi ro trong gửi tiết kiệm.
Theo các chuyên gia, người gửi tiết kiệm sẽ được bảo vệ tốt nhất nếu cả hai bên ngân hàng và khách hàng đều tuân thủ các qui định của Thông tư 48. Đó là đến các địa điểm giao dịch của ngân hàng khi gửi tiền hay rút tiền từ tài khoản tiết kiệm. Tại các điểm giao dịch chính thức này các giao dịch được thực hiện dưới nguyên tắc "bốn mắt" có nghĩa là bất cứ giao dịch nào cũng có ít nhất hai người tham gia: cán bộ thực hiện giao dịch và một cán bộ khác kiểm tra và xác thực giao dịch.
Đặc biệt khách hàng không nên giao dịch ngoài giờ làm việc ngay cả khi cán bộ ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ "ngoài giờ". Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý: "Nhiều giao dịch ngoài giờ làm việc có thể không được ghi nhận trên sổ sách ngân hàng ngay tại thời điểm giao dịch xảy ra và phải đợi đến khi điểm giao dịch mở cửa trở lại. Điều này cũng đúng cho trường hợp cán bộ ngân hàng nhận tiền gửi bằng tiền mặt tại tư gia của khách hàng và chỉ được ghi vào sổ sách của ngân hàng khi cán bộ nộp tiền vào kho tại ngân hàng". Ông Hiếu cũng cảnh báo, trong trường hợp nếu cán bộ bị cướp hay bị tai nạn trên đường và mất số tiền đang vận chuyển về phòng giao dịch có khả năng ngân hàng từ chối ghi sổ số tiền gửi của khách hàng đã giao. Ông cho biết thêm, tại một vài nước như Mỹ, các ngân hàng nghiêm cấm các giao dịch tiền mặt ngoài địa điểm giao dịch chính thức của ngân hàng và các hãng bảo hiểm từ chối bồi thường cho ngân hàng nếu những giao dịch kiểu này gây nên tổn thất cho ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực cũng khuyên khách hàng nên đến trực tiếp tại địa điểm giao dịch của TCTD để mở thông tin tài khoản và gửi tiền, hoặc liên hệ ngân hàng để được hỗ trợ về xác thực định danh điện tử (e-KYC). Trong trường hợp đã có thông tin tại TCTD, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số. Đây là dịch vụ đang bùng nổ, công nghệ hiện đại đem đến sự thuận tiện, nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Người dân hãy tìm hiểu và ưu tiên sử dụng các dịch vụ tiền gửi online thay vì tới quầy như trước đây.
Bên cạnh đó, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm mà mình sẽ sử dụng như khả năng rút tiền trước hạn và mức lãi suất được hưởng nếu rút trước hạn. Hiện nay, sản phẩm - dịch vụ của các TCTD rất đa dạng và linh hoạt, nhân viên TCTD sẽ tư vấn cho khách hàng sử dụng những sản phẩm phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích từ nguồn tiền gửi cũng như hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, NHNN đã có quy định TCTD phải cung cấp biện pháp thông báo biến động số dư của tiền gửi. Theo đó, các ngân hàng có biện pháp bảo vệ an toàn cho khách hàng thông qua các hình thức như cung cấp biến động số dư SMS, Internet Banking, Mobile Banking, nhắn tin hoặc email những thông báo, lưu ý cho khách hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiền gửi, khách hàng cũng phải có trách nhiệm như: Cần lưu ý những thông báo của ngân hàng ghi trên sổ tiết kiệm hoặc qua tin nhắn, email; không cho mượn sổ tiết kiệm; không ký khống giấy tờ; khi mất sổ phải thông báo kịp thời cho ngân hàng. Khách hàng không nên vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.
Trong mọi trường hợp, người dân cần bảo quản các mật mã, các loại thẻ, sổ tiết kiệm cẩn thận, bí mật; chỉ ủy quyền khi thực sự cần thiết và tin tưởng; tuân thủ các hướng dẫn của TCTD về an toàn tiền gửi và đăng ký dùng dịch vụ nhắn tin điện thoại để theo dõi giao dịch trên tài khoản của mình tại TCTD một cách thường xuyên.
Ngân hàng phải đặt quyền lợi hợp pháp của khách hàng lên trên
TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm: "Trong việc đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng, các TCTD nhận tiền gửi phải đặt quyền lợi hợp pháp của khách hàng lên trên hết". Theo TS. Cấn Văn Lực, TCTD phải đảm bảo khả năng thanh khoản, trước hết là tuân thủ đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, điều hành cân đối vốn phù hợp với diễn biến thị trường nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống. Hiện nay lãi suất thị trường đang theo xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo nền vốn ổn định (nhất là nguồn vốn huy động từ dân cư), không nên sử dụng quá mức nguồn tiền từ thị trường liên ngân hàng vì nguồn tiền này không ổn định. "Đồng thời, các TCTD phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật và của NHNN về đảm bảo an ninh, an toàn tiền gửi cho khách hàng, nhất là 2 Thông tư nêu trên" – chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, phía TCTD cần tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng, tích cực tham gia giáo dục tài chính, giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm – dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm mới giúp khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất và có phương án đầu tư hiệu quả.
Cùng với đó, TCTD nâng cao quy trình kiểm soát chặt chẽ rủi ro nhất là rủi ro khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lộ thông tin cá nhân. Các rủi ro công nghệ nếu xảy ra rất dễ khiến khách hàng bị thiệt hại và có thể để lại hậu quả trên diện rộng. Xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) hiện nay tạo điều kiện cho các bên thứ ba cung cấp nhiều loại dịch vụ mới cho khách hàng thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) giúp tăng trải nghiệm của khách hàng, tuy nhiên cũng có nguy cơ xảy ra rủi ro mất thông tin, dữ liệu và tiền, nên các TCTD cần hết sức lưu tâm tăng cường an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng và của chính ngân hàng.
Cuối cùng, các TCTD cần có chính sách và quy trình giải quyết sự vụ, sự việc một cách chuyên nghiệp, thấu đáo khi khách hàng gặp vấn đề liên quan đến tiền gửi nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng cũng như giữ vững được uy tín, thương hiệu của TCTD trên thị trường, như thế mới đảm bảo đôi bên cùng có lợi và quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để bảo vệ ngân hàng và khách hàng trước những thất thoát và thiệt hại xảy ra, các ngân hàng nên áp dụng chặt chẽ Thông tư 48, Thông tư 49 và xây dựng những qui định nội bộ bảo đảm các giao dịch liên quan đến tiền gửi phải được thực hiện trong khuôn viên của các địa điểm giao dịch chính thức của ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cần có những chương trình đào tạo cán bộ nhân viên ngân hàng về các qui định hiện hành liên quan đến sự an toàn tiền gửi, cần có sự quan tâm tới các chương trình đào tạo về đạo đức trong kinh doanh.
Theo DNTT