|
|
Bài viết đăng trên Tạp chí Thương Trường. |
Theo thông tin từ Tạp chí Thương Trường cho biết, TPBVSK Khang Cốt Đơn do Công ty cổ phần liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp (địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất. Sản phẩm do Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (địa chỉ tại Tầng 9 toà nhà văn phòng Intracom, Số 33 đường Cầu Diễn, Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phân phối.
Mặc dù chỉ là sản phẩm bổ trợ song quảng cáo lại thổi phồng công dụng, thần thánh hóa đây là thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người mua. Khi tra cứu sản phẩm Khang Cốt Đơn trên trang tìm kiếm google thì hàng loạt website: khangcotdon.net; khangcotdon.vn; khangcotdon.infor; suckhoe24h.net.vn; v.v… có sử dụng ngôn từ như: “đặc trị” bệnh xương khớp; Kháng viêm, giảm đau nhanh, ức chế các tác nhân phá hủy sụn khớp, phục hồi chức năng xương khớp; Hỗ trợ điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh nhờ vậy mà sẽ không có tình trạng tái phát; Giải pháp hỗ trợ điều trị tận gốc các bệnh xương khớp - số 1 hiện nay…” giới thiệu về sản phẩm như thuốc chữa bệnh.
Như vậy, nội dung Giấy phép quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, Khang Cốt Đơn không có những công dụng này.
Thêm nữa, TPBVSK Khang Cốt Đơn còn lấy uy tín Bộ Y tế để quảng cáo và khẳng định Bộ Y tế “ cấp phép lưu hành và đảm bảo chất lượng”. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ là đơn vị cấp phép Giấy tiếp nhận công bố phù hợp ATTP, còn việc đảm bảo chất lượng thì phải trải qua quá trình thanh tra, hậu kiểm rồi đưa ra kết luận về chất lượng. Do vậy, việc quảng cáo này là thiếu cơ sở và dấu hiệu mạo danh cơ quan y tế.
Các trang website điện tử còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh của TS Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn – CN khoa Đông Y Bệnh viện 108; TS BS Vũ Thị Ánh Vân; BS Trần Quang Đạt – Khoa YHCT Đại học Y Hà Nội… thư tín của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, liệt kê từng thành phần của sản phẩm (hành vi bị cấm, rất nhiều doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt).
Rõ ràng, TPBVSK Khang Cốt Đơn đang vi phạm những quy định về TPCN do Bộ Y tế đưa ra, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm này…
Việc các sản phẩm TPBVSK liên tiếp nổ công dụng, quảng cáo sai sự thật đã gây ảnh hưởng và hiểu lầm không nhỏ đối với người tiêu dùng. Các quảng cáo này tràn lan trên mạng xã hội đã cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Bộ Y tế, các ban ngành cần sớm có giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng được bày bán tràn lan, sản phẩm nào cũng đua nhau quảng cáo công dụng là tốt, hiệu quả; người tiêu dùng cần sáng suốt để lựa chọn những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cũng như tính mạng của mình.