RIG Group chiến thắng

Giữa năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa (Aqua City Hoằng Hóa).

Tổng diện tích của dự án lên đến 47,68ha với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 230 tỷ đồng. Các sản phẩm của dự án bao gồm: 411 căn nhà ở liền kề, biệt thự (306 căn liền kề, 83 căn nhà vườn, 22 căn biệt thự); còn lại 672 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền và 24 lô đất tái định cư.

Công ty cổ phần Địa ốc và Xử lý môi trường RIG Group (RIG Group) là đơn vị đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến Aqua City Hoằng Hóa khi nhanh chóng gửi công văn tới UBND tỉnh Thanh Hóa để “xin” được triển khai dự án. Sau đó, RIG Group tài trợ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Aqua City Hoằng Hóa.

Diễn biến này cho thấy RIG Group rộng rửa trở thành chủ đầu tư Aqua City Hoằng Hóa. Tuy nhiên, tới phút chót, các đối thủ mới xuất hiện.

Tại thời điểm đóng/mở thầu ngày vào ngày 14/11/2022, 2 nhà đầu tư mới nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng đô thị số 1 - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC; liên danh Newtatco - Tây Hồ View (thành viên đại diện là Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch).

Dù vậy, 2 đại diện “giờ chót” này đã thất bại. Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm vừa ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án Aqua City Hoằng Hóa cho RIG Group.

Câu hỏi đặt ra là liệu RIG Group có năng lực hơn các đối thủ còn lại hay không?

“So găng” năng lực các đối thủ

Xét về vốn

RIG Group không có quá nhiều vượt trội so với các đối thủ. Tại ngày 31/12/2022, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của RIG Group đều là 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng đô thị số 1 (Đô thị số 1) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC có vốn 400 tỷ đồng. Tổng vốn liên danh này thấp hơn 100 tỷ đồng so với RIG nhưng vượt xa so với con số yêu cầu 230 tỷ đồng.

Xét về doanh thu, lợi nhuận

Trong năm đầu hoạt động, doanh thu của RIG Group chỉ là 0 đồng. Tới năm 2021, công ty thu về chỉ 1,1 tỷ đồng. Kết quả là năm 2020 công ty lỗ 5,3 triệu đồng. Năm 2021, công ty lãi “cò con”, chỉ 237 triệu đồng.

Trong khi đó, chỉ riêng năm 2021, IEC ghi nhận 1.082 tỷ đồng doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận. Trước đó, trong năm 2022, công ty thậm chí lãi 23,4 tỷ đồng.

Xét về lực lượng lao động

Có một điểm khó hiểu chính là số lượng nhân sự. Dù cuối năm 2021, vốn điều lệ RIG Group tăng lên 1.000 tỷ đồng nhưng giữa tháng 6/2022, số lượng người lao động của công ty chỉ là… 6 người.

Trong khi đó, chỉ riêng Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch cũng đủ sức đè bẹp RIG Group có tới hơn 260 người.

Ngoài ra, “người chiến thắng” RIG Group gây khó hiểu ở chỗ dù có trong tay 1.000 tỷ đồng nhưng công ty lại phải đi vay từng khoản tiền nhỏ. “Nhỏ” ở đây là vài tỷ đồng.

Ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vào ngày 17/1/2023, RIG Group đã vay 2 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). Tài sản đảm bảo là xe đã qua sử dụng mang nhãn hiệu Toyota Land Cruiser. Land Cruiser có giá khoảng 4,2 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 8/6/2022, RIG Group vay 1,35 tỷ đồng tại SHB – Chi nhánh Thanh Hóa. Tài sản đảm bảo là Mercedes GLB 200. Trong tháng 1/2022, công ty cũng đã cầm cố một chiếc Toyota tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa.

Nguồn
Link bài gốc