Công ty cổ phần Fuji Nutri Food (Fuji Nutri Food) không phải là cái tên được chú ý nhiều trong làng bất động sản. Nhưng mới đây, Fuji Nutri Food thực sự nổi đình nổi đám khi trở thành doanh nghiệp bất động sản duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 8/2022. Tổng giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 3, Fuji Nutri Food cũng đã thu về 720 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Từ đây, cái tên Fuji Nutri Food mới được giới quan tâm đến bất động sản “truy lùng”. Và cũng từ đây, doanh nhân bí ẩn Lý Trường An mới được hé lộ chút thông tin.

Vị doanh nhân sinh năm 1988 không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập của Fuji Nutri Food. Tuy nhiên, tới tháng 7/2022, Fuji Nutri Food tăng vốn lên 650 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ nên không rõ ông Lý Trường An có phải “ông chủ” Fuji Nutri Food hay không.

Chỉ biết rằng, cùng với Fuji Nutri Food, ông Lý Trường An là người đại diện của rất nhiều công ty khác, trong đó, rất nhiều cái tên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Và cũng đáng chú ý ở chỗ, hệ sinh thái của ông Lý Trường An có nhiều điểm tương đồng với Fuji Nutri Food: nợ, nợ và nợ. Nợ nhiều đến mức, chỉ cần cộng nợ của chưa đến 10 công ty, tổng nợ phải trả đã đạt con số tỷ đô.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả tại Fuji Nutri Food “chỉ” là 722 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng. Còn tại nhiều đơn vị khác thuộc hệ sinh thái của ông Lý Trường An, nợ thường là con số ngàn tỷ đồng.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát là một trong những cái tên sở hữu nợ nần cao nhất hệ sinh thái ông Lý Trường An.

Công ty Đại Phát thành lập ngày 24/3/2015 với vốn điều lệ ban đầu chỉ là gần 24 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Bé Bảy. Bà Bảy đồng thời sở hữu 99,9% vốn công ty. 0,1% còn lại thuộc về Nguyễn Ngọc Lam.

Sau nhiều lần tăng vốn, tới ngày 31/12/2021, vốn điều lệ công ty đạt 1.100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu công ty đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, nợ phải trả tại Đại Phát lại gây ấn tượng hơn khi đạt tới 7.297 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần vốn.

Công ty cổ phần đầu tư RC12 cũng nằm trong danh sách nợ ngàn tỷ. Công ty thành lập ngày 9/7/2015. RC12 theo đúng “mô hình” hệ sinh thái Lý Trường An là không phát sinh doanh thu. Cùng với đó, RC12 có nợ lớn vượt trội so với vốn.

Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của công ty đạt 115 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Nhưng đáng kể nhất là cuối năm 2017, trong khi âm vốn 7,9 tỷ đồng, công ty gánh nợ phải trả lên đến 2.125 tỷ đồng.

RC12 có vốn điều lệ ban đầu 24 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C (sở hữu 51,25% vốn công ty), Công ty TNHH MTV thương mại – dịch vụ LTVN (sở hữu 42,5% vốn) và bà Đỗ Phương Lan (sở hữu 6,25% vốn).

Vào ngày 5/2/2020, ông Lý Trường An thay thế bà Lê Nguyễn Diễm My trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Công ty cổ phần đầu tư Redwood nối dài danh sách các đơn vị nợ ngàn tỷ trong hệ sinh thái doanh nhân Lý Trường An. Công ty thành lập Redwood ngày 27/12/2012. Ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Đã có 10 năm hoạt động trên thị trường nhưng Redwood triền miên doanh thu 0 đồng và thua lỗ. Đỉnh điểm là năm 2021, công ty lỗ tới 153 tỷ đồng và âm vốn 232 tỷ đồng. Thế nhưng, nợ phải trả công ty lại rất lớn, lên đến 1.547 tỷ đồng.

Như vậy, với chỉ 4 công ty kể trên, tổng nợ phải trả đã đạt tới nửa tỷ đô (11.691 tỷ đồng).

Nguồn
Link bài gốc