Các cố vấn tài chính lại nhìn nhận điều này theo cách khác. Một số ước tính cho thấy, khoản đầu tư 1.000 USD vào tài khoản hưu trí sẽ sinh lời lên 17.000 USD sau 30 năm.

Nói cách khác, mức giá cần bỏ ra từ 700 - 1.000 USD cho một chiếc smartphone đời mới ngày nay là khoản mua tương đối lớn. Thực trạng hiện nay cho thấy chưa đến một nửa số người Mỹ trường thành có đủ tiền tiết kiệm để trang trải trong ba tháng nếu rơi vào tình huống khẩn cấp, theo báo cáo của Pew Research Center.

Trong khi đó, theo khảo sát trên website tài chính WalletHub, 1/5 người được hỏi cảm thấy việc chi một số tiền lớn để mua điện thoại là cần thiết, ngay cả khi cần phải vay nợ để mua.

Khi mua một chiếc iPhone mới bạn đã đánh mất 400 triệu đồng vào 30 năm sau - Ảnh 1.

Theo các hãng công nghệ, smartphone là công cụ mạnh mẽ nhất phục vụ cho làm việc và giải trí. Vì thế số tiền mà người dùng bỏ ra cho chúng là đáng giá từng xu. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một số khuyến mãi nhằm giảm giá bán cho người dùng và kích cầu sức mua.

Đơn cử như Samsung, thương hiệu điện thoại Hàn Quốc từng có chiến dịch thu cũ đổi mới khi người dùng chỉ cần bỏ ra 200 USD là đã có thể sở hữu mẫu Galaxy mới trị giá 800 USD. Tuy nhiên điều kiện cần là chiếc smartphone cũ mang đi đổi phải là thiết bị vừa ra mắt một năm trước và có giá trị cao.

Vì vậy, việc xem xét đến tác động tài chính mà các bản nâng cấp điện thoại tạo ra là cần thiết. Nó giúp người dùng cân nhắc kỹ hơn rồi mới đưa ra quyết định, đồng thời giúp quản lý ngân sách chi tiêu tốt hơn.

Cố vấn tài chính Suze Orman, người nổi tiếng với phát ngôn uống cà phê mỗi ngày ngoài hàng là đang “ném 1 triệu USD xuống cống”, cho biết số tiền mà nhiều người cho rằng ít ỏi và dành ra để nâng cấp điện thoại có thể là “con đường dẫn đến nghèo đói”. Bà cho rằng việc đổi mới điện thoại hàng năm là một sự lãng phí tiền bạc.

Flipsy, một công ty chuyên mua bán điện thoại cũ đã công bố một phân tích mới và chỉ ra rằng nếu biết cách chi tiêu, việc mua iPhone mới mỗi năm là không quá hoang phí.

Cụ thể, mẫu iPhone 12 có giá 799 USD vào năm ngoái. Hiện tại, giá trị của chiếc máy trong chương trình thu cũ, đổi mới là 460 USD. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng cần bù thêm 399 USD để lên đời iPhone 13. Và cứ như thế trong 4 năm, người dùng sẽ bỏ ra 1.816 USD để sở hữu chiếc iPhone mới nhất mỗi năm.

Khi mua một chiếc iPhone mới bạn đã đánh mất 400 triệu đồng vào 30 năm sau - Ảnh 2.
 

Trong trường hợp nếu vài năm đổi mới một lần, tức đợi 3 năm khi iPhone 15 ra mắt, giá trị thu cũ đổi mới của iPhone 12 chỉ còn 200 USD. Khi đó để mua iPhone 15 với giá niêm yết giả sử là 799 USD, người dùng cần bù thêm 599 USD. Sau cùng, tổng số tiền chi ra cho 4 năm là 1.398 USD, bao gồm cả số tiền 799 USD ban đầu mua iPhone 12.

Hiểu theo cách này, việc sở hữu một chiếc smartphone mới mỗi năm hời hơn so với vài năm đổi mới một lần. Nhưng khi đưa những con số đó vào bài toán tài chính, đây lại là câu chuyên khác.

Nếu bỏ ra 12 USD mỗi tháng vào tài khoản lương hưu, giả sử tỷ suất sinh lợi trung bình hàng năm là 10%, số tiền đó sẽ sinh lời lên 25.161 USD sau 30 năm, theo công thức tính của bà Orman.

Orman so sánh việc đổi điện thoại mới cũng giống như mua ôtô. Các hãng xe có thể lập luận rằng giá trị trao đổi của mỗi chiếc xe sẽ giảm dần qua từng năm nên người dùng cần đổi mới thường xuyên. Song, Orman nói rằng bà yêu thích chiếc xe của mình và không quan tâm đến việc giá trị xe giảm đi. Sau 11 năm, Orman có thể tiết kiệm được kha khá khi không phải chi tiền mua ôtô hay bán nó đi và chi thêm tiền cho một chiếc xe khác.

Doug Boneparth, chủ tịch của dịch vụ lập kế hoạch tài chính Bone Fide Wealth, đưa ra quan điểm phản bác với Orman.

Đối với những người có nhiều tiền và nhận thức được tác động của chi tiêu, việc vung tiền cho điện thoại mới có thể không ảnh hưởng đến mục tiêu tiết kiệm tổng thể của họ so với các khoản chi lớn hơn như nhà ở. Và nếu điện thoại khiến họ hài lòng, hãy cứ tận hưởng. Cá nhân Boneparth, ông dành tiền hàng năm để mua một chiếc iPhone mới như một thú vui.

Tuy nhiên, công nghệ smartphone cải tiến nhỏ giọt qua từng năm khiến người dùng cũng không còn quá mặn mà với việc đổi mới liên tục. Bà Orman cảnh báo rằng đối với phần lớn người không có tài chính dư dả, đặc biệt là những ai đang mắc nợ, tác động của việc nâng cấp điện thoại có thể trở thành một quả cầu tuyết nợ, cứ lăn và lớn dần.

Một chiếc điện thoại giá 1.000 USD được tính vào thẻ tín dụng có thể đội giá lên 3.000 USD với lãi suất cộng dồn sau một thời gian nếu người mua không trả hết. Ngoài ra, nợ nhiều hơn cũng khiến điểm tín dụng bị giảm đi, ảnh hưởng đến việc chi tiêu vào mua hay thuê nhà trở nên khó khăn hơn.