Miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, cân đối đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc tổ chức thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 (hiệu lực từ ngày 01/02/2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 28/5/2022).

Riêng đối với chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 năm 2022, do cần phải đánh giá cụ thể kết quả triển khai trong 2 năm 2020 và 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án phù hợp .

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Để tiếp tục giảm áp lực tăng giá xăng dầu hiện nay, tại phiên họp bất thường sáng 6/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay xuống mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo vào ngày 15/7/2022.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về dự thảo nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%. Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ là một hỗ trợ tích cực, góp phần làm giảm giá xăng trên thị trường trong nước bên cạnh các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

6 tháng miễn, giảm, gia hạn gần 46 nghìn tỷ đồng thuế, phí
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng.

Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.

Những hỗ trợ kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế doanh nghiệp, đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ cho vay, cấp bù lãi suất
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các chính sách, như: Phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động;

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 về chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục;
leftcenterrightdel
 


Phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp thẩm quyền ban hành Danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; phương án điều hòa vốn Chương trình và vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025...

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của ngân sách trung ương năm 2021, trong đó bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết;

Kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình.